Trước thềm năm học mới, dư luận tại Nghệ An đang có những hoài nghi về việc có sự độc quyền, có lợi ích nhóm trong việc đưa Sách giáo khoa (SGK) của các công ty vào các trường học. Vậy thực hư việc này như thế nào?
 
Những ngày qua, có luồng ý kiến cho rằng Công ty CP Sách và Thiết bị Trường học Nghệ An (Công ty Sách Nghệ An) lợi dụng việc chỉ đạo của Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An về rà soát nhu cầu SGK mới để tuồn "sách của mình" vào các trường học một cách độc quyền?.
 
Liên quan đến vấn đề này, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An cho biết, việc chọn sách của bộ sách của NXB nào để đưa vào giảng dạy tỉnh Nghệ An là trách nhiệm của Sở GD&ĐT tham mưu cho UBND tỉnh. Trước đây, học sinh trên cả nước chỉ dùng sách của NXB GD. Để phá thế độc quyền, Nhà nước không chỉ để NXB GD xuất bản sách mà còn nhiều NXB khác nữa tham gia cung cấp sách, giúp chất lượng sách ngày càng nâng cao, giá thành rẻ.
 
Ông Thành thông tin: “Việc Nghệ An chọn bộ sách của NXB nào là trách nhiệm Sở GD&ĐT trình lên UBND tỉnh duyệt với quy trình chuẩn, bài bản. Khi chọn NXB rồi, cấp sách cho các nhà trường không phải do Sở chỉ đạo mà chọn nhà sách nào để phát hành sách cho các nhà trường mà là do NXB làm. Sở không chỉ định và không có quyền chỉ định NXB nào”.
 
Theo ông Thành, tỉnh Nghệ An có nhiều vùng miền khác nhau cho nên năm nay đã có 3 NXB cùng tham gia đăng ký cung cấp sách. “Trong đó NXB GDVN đã gửi công văn cho UBND tỉnh là NXB này chọn Công ty Sách Nghệ An. Đây là NXB chọn chứ không phải Sở GD&ĐT Nghệ An chọn. NXB GDVN đã gửi công văn cho UBND tỉnh Nghệ An là NXB này chọn Công ty Sách Nghệ An phát hành sách cho các nhà trường”, ông Thành nói.


 
NXB GDVN đã gửi công văn cho UBND tỉnh Nghệ An là NXB này chọn Công ty Sách Nghệ An phát hành sách cho các nhà trường.
 
Dư luận đặt vấn đề, số liệu học sinh các lớp hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì Sở GD&ĐT đã nắm được, vậy tại sao Sở lại phải khảo sát nhu cầu SGK mới?. Đây là "động tác thừa" và có thể là chỗ hở để Công ty Sách Nghệ An lợi dụng đồng hành việc khảo sát để bán sách trong nhà trường?.
 
Ông Thành cho hay: “Bộ GD&ĐT yêu cầu chậm nhất ngày 5/6 các Sở GD&ĐT phải thống kê số lượng sách báo với NXB. Thông tin trên mạng xã hội phản ánh ngày 4/6, còn theo chỉ đạo của Bộ và sau khi có danh sách thì sau ngày 5/6 SGK mới được in sau đó mới được xuất hiện bán trên thị trường, sao lại nói đưa sách xuống nhà trường, tuồn tài liệu tham khảo ra. Ngành giáo dục chỉ làm nhiệm vụ thống kê sách mới thôi, sách cũ không thống kê vì sách cũ có một cuốn, sách mới có hàng chục cuốn. Việc thống kê này chỉ đến năm học 2024 là kết thúc vì khi đó sách có số lượng từ cấp 1 đến cấp 2 không cần thống kê nữa”.
 
Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, “Tài liệu tham khảo không ai có quyền chỉ đạo, Sở và Phòng cũng không có quyền chỉ đạo, cái đó là quyền và sự lựa chọn của phụ huynh và học sinh, có hàng chục nhà xuất bản có trên thị trường cùng bán.
 
Nghệ An có nhiều vùng miền khác nhau nên đã có 3 NXB cung ứng SGK. Nhiều trường khách nhau thì sẽ có lựa chọn NXB khác nhau. Do đó, việc Sở GD&ĐT phải rà soát, thống kê nhu cầu, số lượng sách để báo cáo với các NXB chuẩn bị đủ sách giáo khoa cho tất cả học sinh trong năm học tới, đảm bảo không có học sinh nào thiếu sách.”.
 
Cũng theo ông Thành, những năm trước đây, khi SGK độc quyền biên soạn, độc quyền xuất bản qua NXB GDVN thì có không ít phụ huynh quay cuồng, lùng sục khắp nơi để tìm mua SGK cho con ngay những ngày đầu năm học mới.
 
Có những học sinh phải mua SGK từ rất sớm đề phòng những ngày cận năm học khan hiếm sách. Thậm chí, đã vào chương trình chính thức của năm học nhưng vẫn còn tình trạng học sinh phải "học chay" vì chưa đủ sách. Cũng có thông tin cho rằng, nhiều năm qua, giáo viên như những “cánh tay nối dài” giúp các công ty “bán hàng” trong nhà trường.
 
Ông Thái Văn Thành cho biết thêm: “Trong nhà trường, thầy cô tư vấn sách như thế nào cho phụ huynh là do nhà trường, phụ huynh chọn mua trong nhà trường hay ngoài thị trường là quyền lựa chọn ở phụ huynh.”
 
Để chuẩn bị cho năm học mới 2021 - 2022, ngay sau khi UBND tỉnh quyết định phê duyệt các đầu sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đã báo cáo Bộ GD&ĐT về danh mục sách giáo khoa được lựa chọn. Đồng thời, cung cấp thông tin bằng văn bản cho các NXB có SGK được lựa chọn về danh mục, số lượng SGK mỗi nhà xuất bản cần cung ứng cho các cơ sở giáo dục tại địa phương để kịp xuất bản, sẵn sàng cho học sinh toàn tỉnh bước vào năm học mới./.