Đến khi bị yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề, ông Võ Hoàng Yên xin “nghỉ” để đi học, bỏ mặc trung tâm hoang tàn.
Khu đất hơn 6,4 ha ở xã Cẩm Mỹ (H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) mà UBND H.Cẩm Xuyên từng cấp cho ông Võ Hoàng Yên
Năm 2015, Sở Y tế Hà Tĩnh đặc cách cấp phép cho “thần y” Võ Hoàng Yên (46 tuổi) mở Trung tâm phục hồi chức năng và dưỡng sinh ở xã Cẩm Vịnh để khám, chữa bệnh dù chưa có “bằng cấp” gì. Đến khi bị yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề, ông Yên xin “nghỉ” để đi học, bỏ mặc trung tâm hoang tàn.
Ưu ái bất thường
Theo tìm hiểu của PV, vào năm 2011, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Hà Tĩnh đã mời ông Võ Hoàng Yên về chữa bệnh tại Hội Đông y Hà Tĩnh (ở số 155 Nguyễn Công Trứ, TP.Hà Tĩnh). Không biết hiệu quả chữa bệnh ra sao, chỉ thời gian ngắn sau đó, Hội Đông y Hà Tĩnh đã kết nạp ông Yên làm hội viên và ông Yên nhanh chóng đề xuất với tỉnh Hà Tĩnh cấp đất để mở trung tâm chữa bệnh và được chấp thuận.
Cụ thể, năm 2011, ông Yên được UBND H.Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cấp cho khu đất trống, rộng hơn 6,4 ha ở thôn Mỹ Sơn (xã Cẩm Mỹ, H.Cẩm Xuyên) để xây dựng Trung tâm phục hồi chức năng, dưỡng sinh và vườn cây thuốc nam. Tuy nhiên, sau thời gian không xây dựng nên UBND H.Cẩm Xuyên đã thu hồi. Đến cuối năm 2012, ông Yên tiếp tục được tỉnh Hà Tĩnh giao cho khu đất có diện tích hơn 1,8 ha là Trường THCS Cẩm Vịnh (H.Cẩm Xuyên) cũ, để mở trung tâm chữa bệnh.
Theo ông Hồ Nhật Lệ, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Hà Tĩnh, ngày 14.12.2012, UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định giao cho ông Yên khu đất của Trường THCS Cẩm Vịnh để làm Trung tâm phục hồi chức năng và dưỡng sinh. Đất được giao theo hình thức không thu tiền sử dụng đất. Đến năm 2016, trung tâm của ông Yên đóng cửa, bỏ hoang. “Cuối năm 2018, tỉnh đã ra quyết định thu hồi toàn bộ khu đất ở xã Cẩm Vịnh, giao cho đơn vị chúng tôi quản lý. Chúng tôi cũng đang phối hợp với Hội Đông y Hà Tĩnh thực hiện định giá tài sản và đấu giá để tránh lãng phí”, ông Lệ nói.
Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh), cho hay vào năm 2015, Sở Y tế Hà Tĩnh đã đặc cách cấp phép cho ông Yên mở Trung tâm phục hồi chức năng và dưỡng sinh ở xã Cẩm Vịnh để khám chữa bệnh. “Lý do ông Yên được đặc cách là do chỉ đạo của tỉnh. Tỉnh chỉ đạo chúng tôi nên phải làm, dù ông Yên chưa có bằng cấp gì. Chúng tôi chỉ cấp phép cho ông này hoạt động khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Ông Yên cũng từng đề nghị cấp phép hoạt động cho các “đệ tử” nhưng chúng tôi không đồng ý”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, vào năm 2016, ông Yên đóng cửa trung tâm là vì bị Sở Y tế buộc phải có chứng chỉ hành nghề. Vì lý do này nên ông Yên xin “nghỉ” để đi học. “Trước khi ông Yên rời đi, chúng tôi cũng đã thu hồi giấy phép hoạt động đã cấp cho ông này”, ông Dũng thông tin thêm.
Trung tâm phục hồi chức năng và dưỡng sinh Võ Hoàng Yên ở Hà Tĩnh hoang tàn, xuống cấp
Công an mở rộng xác minh “tay nghề” của ông Võ Hoàng Yên
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, ngày 15.3, Công an H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã mở rộng việc tiếp xúc, xác minh vụ việc, gặp gỡ hàng chục trường hợp được ông Võ Hoàng Yên khám, chữa trị để làm rõ hiệu quả chữa bệnh của ông này.
Trong động thái khác, trước những thông tin về ông Võ Hoàng Yên, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn gửi Công an tỉnh Quảng Ngãi, Sở Y tế, các huyện, thành phố đề nghị dừng việc mời và cấp phép cho ông Võ Hoàng Yên về khám chữa bệnh tại tỉnh này; đồng thời giao Sở Y tế Quảng Ngãi phối hợp UBND H.Bình Sơn đánh giá hiệu quả việc khám chữa bệnh của ông Yên và cộng sự tại H.Bình Sơn vào năm 2020, báo cáo cho UBND tỉnh Quảng Ngãi trước ngày 20.3.2021
Trên “đá” xuống dưới, dưới “đẩy” lên trên
Liên quan đến lý do vì sao tỉnh Hà Tĩnh lại chỉ đạo đặc cách cấp phép cho ông Yên mở trung tâm hành nghề, PV Thanh Niên đã hỏi một lãnh đạo có trách nhiệm của UBND tỉnh Hà Tĩnh nhưng vị này từ chối trả lời, và cho biết đã “giao cho Sở Y tế, Sở sẽ có trách nhiệm trả lời”.
Liên lạc với Sở Y tế, bà Bùi Thị Thu, Chánh văn phòng Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, cho biết Sở đã nhận được văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh này về việc trả lời thông tin cho báo chí liên quan đến quá trình đặc cách cấp phép cho ông Yên khám chữa bệnh tại địa phương và đã chuyển văn bản cho Phòng Nghiệp vụ y của Sở.
Tuy nhiên, khi PV đề nghị ông Nguyễn Đình Dũng, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ y, cung cấp thêm thông tin vụ việc này thì ông nói “mọi thông tin phát ngôn là do lãnh đạo Sở”. “Hiện lãnh đạo đang đi họp, cần cung cấp thông tin gì thì PV đặt câu hỏi tại văn phòng Sở, lãnh đạo sẽ bố trí phòng chuyên môn trả lời trực tiếp hoặc bằng văn bản”, ông Dũng nói.
Làm rõ có hay không việc lừa đảo
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM): Nếu thông tin ông Võ Hoàng Yên đưa ra về khả năng chữa lành bệnh bằng phương pháp kỹ thuật xoa bóp, kéo lưỡi để chữa câm, điếc là gian dối, thì việc đầu tiên cơ quan điều tra cần xác định người bị hại. Khi có bị hại cùng việc gian dối gắn liền với chiếm đoạt tài sản từ 2 triệu đồng trở lên, ông Yên có thể bị xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” không phải là tội danh bị khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Vì vậy, quá trình xác minh làm rõ sự việc, cơ quan điều tra có thể kêu gọi nạn nhân từng được ông Yên khám chữa bệnh lên tiếng.
Việc chiếm đoạt tài sản có thể chứng minh bằng việc có hay không câu chuyện bán phiếu khám chữa bệnh. Nếu có thì mối quan hệ giữa ông Yên và nhóm người này như thế nào, vai trò chủ mưu, đồng phạm được xác định ra sao… Ngoài ra, cũng cần chứng minh được việc ông Yên đưa ra thông tin gian dối nhằm tạo niềm tin để một số người tự nguyện chuyển tiền cho ông Yên làm từ thiện, nhưng sau đó, bằng hành vi gian dối khác ông Yên chiếm đoạt, sử dụng số tiền này một cách bất hợp pháp...