Sự việc xảy ra hồi tháng 9 tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Theo Sina, trong suốt một tháng, một thanh niên 18 tuổi đến từ thành phố Thập Yển liên tục cảm thấy đay tức ngực nên đã tới bệnh viện để kiểm tra. Qua hình ảnh chụp CT, các bác sĩ phát hiện hình ảnh phổi bị tổn thương và được chẩn đoán "viêm phổi".
Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận điều trị, tình trạng của nam thanh niên này không có dấu hiệu cải thiện. Chàng trai sau đó tiếp tục kiểm tra chuyên sâu. Trong lúc thăm khám, qua một vài câu hỏi, bác sĩ đã phát hiện ra đầu mối quan trọng dẫn đến bệnh tình của chàng trai.
Hóa ra, một tháng trước khi xuất hiện tình trang đau tức ngực, chàng trai này đã cùng bạn đến bên suối để vui chơi. Lúc này, nhìn thấy một vài con cua, họ đã rủ nhau bắt chúng và không may bị con vật cắp bị thương. Quá tức giận, anh chàng đã đưa con vật lên miệng, cắt đứt càng của nó rồi nuốt luôn vào bụng.
Nam thanh niên này chắc chắn không ngờ được rằng bên trong chiếc càng cua này tồn tại một loại ký sinh trùng có tên Paragonimus gây bệnh sán lá phổi. Theo các bác sĩ, khu vực nam thanh niên này vui chơi bắt cua có tỷ lệ mắc loại bệnh trên rất cao. Sán lá phổi cũng như ấu trùng của nó tồn tại nhiều trong các loài ốc, cua hay nước suối. Khi người dân ăn cua, ốc sống, chưa qua chế biến hay uống nước chưa qua xử lý, đun sôi thì có thể mắc bệnh trên.
Theo các chuyên gia, biểu hiện mắc bệnh sán lá phổi ở mỗi người thường không giống nhau, phụ thuộc vào vị trí sán kí sinh, giai đoạn phát triển cũng như tình trạng người bệnh. Nếu sán ký sinh trong phổi, người bệnh thường có ho, đau tức ngực, đờm có máu. Các chuyên gia cảnh báo, người bệnh không nên ăn thịt, cá, tôm, cua sống, đặc biệt các loài thủy sản.
Về trường hợp của nam thanh niên trên, sau khi tìm được đúng bệnh và phác đồ điều trị, các cơn đau tức ngực cũng dần biến mất. Bên cạnh đó, hình ảnh chụp CT cũng cho thấy các tổn thương ở phổi cũng biến mất./.