Lần đầu đi phóng sinh cá chép tiễn ông Công ông Táo, nữ sinh viên năm nhất ném luôn ba con cá xuống cống gần chung cư bạn trai ở. Khi bị bạn trai chửi ngu thì cô tuyên bố: “Em không phóng sinh vào bồn cầu là còn may đấy!”.
 
Bị bạn trai mắng và giận dỗi vì chuyện này, Hằng đăng tâm sự lên fanpage hơn 2,7 triệu thành viên để xin ý kiến của dân mạng:
 
Anh chị cho em hỏi như này có đáng bị mắng không ạ? Anh người yêu vừa ra trường một năm, được bố mẹ mua cho căn chung cư nho nhỏ, còn em học năm nhất. Anh có làm lễ cúng ông Công ông Táo. Làm lễ xong thì anh ấy đưa cho em cái hộp ba con cá bảo em đi phóng sinh. Em hỏi rõ anh ấy là: “Phóng sinh ở đâu ạ?”.
 
“Em phóng sinh ở đâu cũng được, gần thôi cho nhanh”.
 
Nghe lời anh, em mới mang hết 3 con cá đi phóng sinh. Ngay dưới khu chung cư nhà anh ấy có cái cống con con. Em ngại đi xa với lại gần đây không có sông hồ nào cả nên em tiện phóng sinh xuống đấy luôn. Lên lại nhà thì anh nhìn em rồi hỏi: “Ủa, sao em đi nhanh thế”.
 
“Thì em phóng sinh xong rồi chả về chứ đứng đó à?”.
 
“Em phóng sinh ở đâu mà nhanh thế?”.
 
“Ở ngay cái cống dưới nhà đấy”.
 
“Sao em phóng sinh cá của ông Công ông Táo xuống cống. Thế ông Công ông Táo đi từ cống lên thiên đình báo cáo à?”.
 
“Ơ đúng rồi nhỉ, nhưng cống rồi chảy ra sông ra biển mà anh”.
 
“Vãi, có kịp bơi ra đó không? Hay chết trước khi ra sông rồi”.
 
“Chịu, anh bảo em phóng sinh chỗ nào có nước mà? Em không phóng sinh vào bồn cầu là còn may đấy!”.
 
“Ở nhà chưa phóng sinh cá ông Công ông Táo bao giờ à?”.
 
“Toàn bố mẹ làm chứ em có phải làm gì đâu? Qua đây giúp anh làm ơn mắc oán”.
 
“Không biết phải hỏi. 1 năm được 1 ngày ông Công ông Táo báo cáo mà mày phóng sinh xuống cống. Nghĩ sao? Ngu nó vừa thôi chứ”.
 
“Anh bảo ai ngu?”.
 
“Có lẽ là anh?”.
 
“Ừ anh thì thông minh đấy!”.
 
“Em giận anh ấy từ lúc ấy đến giờ, bỏ về luôn mà. Làm gì mà phải nặng lời thế, không được thì phóng sinh lại. Tại không hướng dẫn tận tình chứ ai cố ý?”.
 
Nhiều người mỉa mai Hằng vì cho rằng cô quá thiếu kiến thức khi thả cá chép tiễn ông Công ông Táo dưới cống. Song song đó, nhiều người khẳng định đây chỉ là hủ tục và chàng trai kia hơi quá đáng khi chửi rồi giận Mai.
 
Vào 23 tháng Chạp hằng năm, ngoài mâm cỗ cúng ông Công ông Táo, nhiều người Việt sẽ chuẩn bị cá chép để thả ra sông hồ sau khi cúng bái xong. Việc làm này nhằm đưa các Táo lên thiên đình báo cáo với Ngọc Hoàng. Hành động thả cá chép còn mang ý nghĩa phóng sinh và thể hiện sự từ bi của người Việt.
 
Theo quan niệm dân gian, cá chép phải được thả trước giờ Ngọ (12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp) mới kịp lên thiên đình. Do đó, ngay từ tối 22 đến sáng sớm 23 tháng Chạp, chúng ta bắt đầu thả cá ra sông, suối, hồ nước gần nhà.
 
Thả cá chép đúng cách là thả từ từ, nhẹ nhàng xuống sông, hồ để chúng còn sống. Nhiều người cẩn thận còn thắp hương cầu khấn những điều tốt lành cho bản thân, gia đình rồi mới từ từ để cá chép bơi xuống mặt nước với lòng thành kính, thiêng liêng nhất.
 

 
Không nên ném cá kiểu này.
 
Tuyệt đối không đứng ở thành cầu hay các điểm trên cao ném cá xuống sông hồ, khiến cá không thể sống được.
 
Không phóng sinh cá ở những nơi môi trường bị ô nhiễm vì cá sẽ ít cơ hội sống sót.
 
Tránh hành vi thả cá ồ ạt theo phong trào, không chú ý cá có cơ hội sống sót không.
 
Tránh việc đi thả cá mà đổ, ném, quăng cá hoặc ném luôn cả túi ni lông chứa cá xuống ao, hồ, làm ô nhiễm môi trường.