Xứ Nghệ quanh quanh, những con đường được ví như tranh họa đồ. Từ Quốc lộ 7, hướng từ Diễn Châu về Đô Lương, đến đất Công Thành huyện Yên Thành, nhìn về phía trái sẽ thấy dãy núi Tù Và trải dài sừng sững giữa trời xanh mây trắng. Trên cao tít tắp đỉnh núi, nơi mây phủ, vượt bộ qua 2000 bậc sẽ đến được ngôi đền hiếm lạ, đó là “Đền thờ con gái Long Vương”, hay còn gọi là Long Sơn Thủy Quốc.


 
Dãy núi Tù Và ở  xã Công Thành huyện Yên Thành nhìn từ Quốc lộ 7.
 
Đền Long Sơn Thủy Quốc tọa lạc trên đỉnh núi Tù Và nằm giữa địa giới 2 huyện Yên Thành và Đô Lương. Núi Tù Và gắn với nhiều truyền thuyết như ông Đùng gánh đất, dốc Ba Bậc đòi người, hay Thần Rắn cụt đuôi… Trong đó, nổi bật nhất là truyền thuyết về thần Long Sơn Thủy Quốc.


 
Đường từ chân núi lên đền với trên 2000 bậc gạch xây.
 
Du khách muốn lên được đỉnh Tù Và thăm ngôi đền thiêng, quả là một thử thách lớn, phải vượt qua hơn 2000 bậc. Lên đến 1000 bậc sẽ có từng cung đoạn ghế đá để du khách ngồi nghỉ chân. Nhưng đến chừng 1500 bậc, lại không còn ghế đá nữa. Đây là một thử thách tiếp theo cho ai muốn chinh phục đỉnh Tù Và. Càng lên cao, núi Tù Và càng thể hiện là ngọn núi cao nhất huyện lúa Yên Thành. Nhìn xuống, đường đi lên như một nét son mờ trải dài hun hút, mờ xa, mờ xa…

 
Lưng chừng đỉnh Tù Và nhìn xuống, đường đi lên như một dài lụa vắt ngang sườn núi.
 
Sau khi đi hết trên 2000 bậc, du khách sẽ còn phải đi dọc quanh theo sườn núi độ gần 1 km mới đến được ngôi đền thiêng. Đến đỉnh núi, nhìn xuống, làm quê Yên Thành thật nhỏ xíu, bình yên trong sương mây.

 
Làng quê Yên Thành nhìn từ đỉnh Tù Và.
 
Cổng đền uy nghi hiện ra với những bông lau trắng tinh khôi phất phơ bay trong gió làm cho du khách một cảm giác nhẹ nhõm đến lạ. Do ở trên cao, nên đền tĩnh mịch, ít bóng người. Theo sử sách, Thần Long Sơn Thủy Quốc vốn là Công Chúa của Long Vương, hóa thành một cậu học trò thông minh, hiếu học, đã giúp thầy học của mình cầu khấn đất trời đón mưa, chống hạn. Vì  làm như thế là chống lại phép của Thiên Đình nên bị trừng phạt. Khi chết, cậu học trò được thầy đồ và nhân dân an táng ở nơi linh thiêng và lập đền thờ trên đỉnh núi Tù Và. Ngôi đền rất linh thiêng, nhất là khi làm lễ “Đảo vũ kỳ tình” (cầu mưa, cầu nắng). 

Trải qua nhiều triều đại, nhận thấy sự linh thiêng báo ứng của Thần cùng với bản tâu của quan viên địa phương, triều đình phong kiến nhiều lần sắc phong cho Thần. Đời vua Vĩnh Khánh năm thứ hai (1730) đã phong đạo sắc Long Sơn Thủy Quốc. Đến đời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786), nhà vua cũng phong sắc Long Sơn Thủy Quốc. Về sau, các triều vua nhà Nguyễn cũng nhiều lần sắc phong. 

 
Phía trong đền nhìn ra cổng đền với cảnh sắc hữu tình.
 
Trải qua năm tháng, thiên tai, chiến tranh đền bị hư hỏng, đổ nát nhiều lần. Thời kỳ chống Mỹ xâm lược, đền bị tháo dỡ, phân tán để bảo vệ. Long ngai, bài vị, một số đồ tế khí được rước xuống phối thờ ở đền Cao Sơn (đền Hạ) dưới chân núi. Sau khi đền Cao Sơn cũng bị tháo dỡ, Long ngai của thần Cao Sơn Cao Các và thần Long Sơn Thủy Quốc được rước về phối thờ ở Đình Đông xã Khánh Thành- Yên Thành. Năm 2014, đền Cao Sơn được phục dựng, nhân dân thiết lập Long ngai, Bài vị 2 vị thần ở đền Cao Sơn.

 
“Đền thờ con gái Long Vương” đã được phục dựng
 
Đền Long Sơn Thủy Quốc trên đỉnh Tù Và đã được tôn tạo lại 3 năm nay, hoàn thành vào ngày 10/1/2016. Tuy nhiên, một phần đền vẫn còn tồn tại với những bức tường cổ được xây bằng sò, mạch vôi rộng khoảng 20m2, cao 4m.

 
Chính điện thờ Công chúa con gái Long Vương.
 
Phần làm mới của đền là đền thượng, tượng phật, tượng 2 vị thần, hoành phi, câu đối, sân lễ, bể nước, cột quyết phía Đông, lối đi từ chân núi lên đền. Toàn bộ kinh phí tôn tạo đền do đồng hương, thân hữu người Yên Thành đang sinh sống ở Hà Nội và một số ở quê đóng góp. Tại đền thượng, cùng với bàn thờ Long Sơn Thủy Cốc, còn có bàn thờ Chuẩn Đề Bồ Tát và bàn phối thờ thần Cao Sơn Cao Các.

 
Bên trái thờ thần Cao Sơn Cao Các.
 
Sẽ là một thiếu sót khi không nói về thần Cao Sơn Cao Các được thờ tự tại đây. Ngược dòng lịch sử, vị thần này được thờ tại 3500 ngôi đền trên khắp nước Đại Việt, nhiều nhất là ở miền Bắc và miền Trung. Phần lớn các phần tích đều ghi, ngài có tên là Hiển, sống thời Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương), có công giúp vua Hùng đánh thắng quân Thục. Theo thần phả ở các đền khác, sự tích tuy có khác nhau, nhưng đều thống nhất rằng ngài là vị Thần núi, giữ nước an dân. Sách chữ Hán “Bách Thần sự tích”, hiện lưu tại Thư viện Nghệ An ghi: “Cao Sơn Cao Các Đại Vương, Thượng Đẳng Thần, có Miếu chính ở xã Đông Tháp, huyện Đông Thành (bao gồm huyện Yên Thành, Diễn Châu ngày nay). Đền Cao Sơn ở chân núi Tù Và (đền Hạ) có từ lâu đời. Hiện chỉ còn một số bản sắc phong và bộ Long ngai bài vị của Thần. Ngôi đền này được cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2015.

 
Một phần di tích đền cũ còn được lưu giữ.
 
Từ thời xưa, người dân ở vùng đất Yên Thành có câu: nhất Tù Và, nhì Đình Đông, ba Liên Trì. Ngầm hiểu rằng, Tù Và nói đến đền Long Sơn Thủy Quốc, Đình Đông là một công trình đình- đền bái vọng đền Cờn, Liên Trì chỉ ngôi đình thờ Uy Linh Vương- Lý Nhật Quang. Hội “Đền thờ con gái Long Vương” hàng năm được tổ chức vào thượng tuần tháng 3 âm lịch, chính lễ ngày mồng 10. Đến với đền thờ là dịp để mọi người được thưởng ngoạn cảnh đẹp quê hương, nhớ về tích xưa của cô Công Chúa hóa thân thành cậu học trò giúp dân làng tránh hạn hán, có mùa màng tươi tốt.