Bệnh viện đã hoàn toàn vắng vẻ, không còn cảnh tấp nập, khẩn trương vận chuyển F0 nguy kịch từ xe cứu thương vào khoa cấp cứu như cao điểm tháng 7-8 năm ngoái. Các khoa phòng đóng kín cửa, chỉ còn vài nhân viên trực cuối tuần. Các giường không còn bệnh nhân, máy móc chuẩn bị được tập kết về kho trang thiết bị để làm thủ tục bàn giao.

crh00026-1647839762323103315527-1647846987.jpg
Những bệnh nhân cuối cùng rời Bệnh viện hồi sức Covid-19. Ảnh: P.V

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 quy mô 1.000 giường hồi sức tích cực (ICU) hoạt động từ ngày 16/7/2021, khi dịch tại TP.HCM ở giai đoạn căng thẳng nhất. Bệnh viện hình thành từ việc chuyển đổi công năng thần tốc từ Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, điều trị những bệnh nhân nặng, nguy kịch, thực hiện chiến lược "hạn chế bệnh nhân tử vong" của TP.HCM. 

Giai đoạn cao điểm, khoảng 3.000 nhân viên y tế với 74 đoàn y bác sĩ từ 63 tỉnh thành cả nước chi viện về đây. Nhiều bác sĩ nghỉ hưu chủ động liên lạc xin vào phục vụ bệnh viện. Y bác sĩ F0 vẫn tình nguyện làm việc để đồng nghiệp đỡ vất vả.

Bác sĩ Võ Tấn Lực, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy chi viện Bệnh viện Hồi sức Covid-19, nhớ lại những ngày cao điểm làm việc liên tục, chợp mắt vài giờ mỗi ngày, chưa bao giờ chứng kiến tinh thần chiến đấu của mọi người cao độ đến vậy, tình cảm anh em đồng đội gắn bó tương trợ nhau như một gia đình.

"Điều đáng mừng là đóng cửa bệnh viện, đồng nghĩa thành phố không còn nhiều bệnh nhân nặng", anh nói.

Bác sĩ Lực bày tỏ nỗi đau dù đã cố gắng rất nhiều nhưng không níu giữ được sự sống của nhiều người bệnh khác. "Chúng tôi hứa với bệnh nhân sẽ giúp họ đoàn tụ gia đình, động viên họ cố gắng nhưng y khoa có giới hạn, sự đáp ứng của bệnh nhân có giới hạn, thành ra những lời hứa chúng tôi đã không thể hoàn thành", bác sĩ Lực xúc động chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 kiêm Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết thời gian qua TP.HCM từng bước thích ứng với Covid. Số ca nhập viện, số bệnh nhân nặng giảm sâu. Từ tháng 2 đến nay, số bệnh nhân tại bệnh viện khoảng 10-15 trường hợp. Bệnh viện đề xuất ngưng hoạt động, trả lại cơ sở cho Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2.

Trong số hơn 5.000 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, 70% hồi phục được trở về đoàn tụ gia đình, quay lại cuộc sống. Nhiều người đã hồi sinh ngoạn mục từ cửa tử, được bác sĩ nỗ lực giành giật sự sống bằng tất cả sức lực, thuốc men, các phương tiện hồi sức hiện đại nhất.

"30% bệnh nhân không thể qua khỏi, là điều hối tiếc, day dứt, trăn trở không nguôi với các y bác sĩ khi đi qua cuộc chiến", bác sĩ Nguyễn Tri Thức nói.

Sở Y tế TP.HCM đã chấp thuận cho bệnh viện ngưng tiếp nhận bệnh nhân. Từ nay đến cuối tháng 3, bệnh viện hoàn tất các thủ tục như thanh toán chi phí mua sắm và chi trả chế độ cho nhân viên y tế; kiểm kê tài sản, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc; bàn giao hồ sơ bệnh án; lập báo cáo quyết toán.

Theo Sở Y tế TP.HCM, sau khi Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ngừng hoạt động, 6 bệnh viện có nhiệm vụ duy trì giường hồi sức (ICU) để điều trị người bệnh mắc Covid-19 nặng gồm Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14, số 16, dã chiến đa tầng Tân Bình, Quân y 175, Bệnh Nhiệt đới, Chợ Rẫy. Thành phố tiếp tục duy trì các bệnh viện dã chiến và các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 của quận, huyện, TP.Thủ Đức.

Tất cả bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn được yêu cầu phải thành lập khoa hoặc đơn vị điều trị Covid-19 để tiếp nhận các trường hợp có bệnh lý cấp tính kèm xét nghiệm dương tính Covid-19./.