Trước 9 ca nhiễm Covid–19 có tiền sử đi chung chuyến bay VN0054 và 2 người có tiếp xúc với bệnh nhân Nguyễn Hồng N. ở Trúc Bạch, Hà Nội, nhiều câu hỏi đặt ra, liệu có thể xem đây là ca siêu lây nhiễm?
Trao đổi với PV, bác sĩ Trương Hữu Khanh – chuyên khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết không thể coi ca số 17 là ca siêu lây nhiễm như ca bệnh số 31 ở Hàn Quốc.
Ca số 31 ở Hàn Quốc là tín đồ của Tân Thiên Địa giáo, được giới y khoa coi là “siêu bệnh nhân’ vì bệnh nhân này trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, bệnh nhân này không hợp tác y tế, không chịu cách ly, có 4 lần đến những nơi đông người và là nguồn lây nhiễm Covid-19 cho nhiều người.
Đối với bệnh nhân số 17 tại Việt Nam, bác sĩ Khanh cho biết bệnh nhân này có thể coi là nguồn lây vì sau khi xuống máy bay bệnh nhân này đã lây cho 2 người đó là người bác và lái xe của bệnh nhân.
Đối với những bệnh nhân trên cùng chuyến bay, bác sĩ Khanh cho biết đến nay chỉ có bệnh nhân số 21 là người Việt, còn lại đều là khách nước ngoài đi cùng chuyến bay và trong số bệnh nhân dương tính có người không ngồi cùng khoang hạng thương gia với nữ bệnh nhân này.
Có thể những người nước ngoài dương tính với Covid-19 đã mang nguồn lây trước đó nhưng chưa có triệu chứng vì tại Anh cũng có 209 người mắc bệnh Covid – 19 và có 2 trường hợp tử vong nên chưa thể khẳng định nguồn lây này trực tiếp là do bệnh nhân số 17.
Ngoài ra, bệnh nhân số 17 theo như khai báo y tế, thời điểm đi trên chuyến bay là lúc bệnh nhân ở tình trạng toàn phát. Đây là giai đoạn bệnh có thể phát tán virus đậm đặc nhất và chỉ cần những người xung quanh tiếp xúc với giọt bắn của người bệnh thì có thể lây nhiễm SARS-Cov-2.
Những người này nhiễm virus và tùy theo thể trạng sức khỏe có thể bùng phát bệnh, có thể trở thành người mang nguồn nhiễm nhưng không có triệu chứng.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo, tốt nhất trong thời gian này cần tránh tụ tập đông người, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang ở khu vực có nguồn lây.
Khi đi trên máy bay, nên đeo khẩu trang vải cho dễ chịu và sử dụng thêm lớp giấy ăn lót bên trong. Khi đó, người hắt hơi cũng không ảnh hưởng đến ai và giấy ăn cũng giúp ngăn chặn được giọt bắn từ người khác. Cách này đơn giản mà không tốn kém.
TS BS Lê Quốc Hùng – trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cho biết, bệnh do virus SARS – CoV-2 cũng giống như các virus gây bệnh viêm đường hô hấp khác, sau khi đi vào vùng hầu họng, virus sẽ xâm nhập vào các tế bào niêm mạc và nhân lên, từ một con sẽ sản sinh ra hàng trăm con.
Phát triển đủ lớn cả về số lượng và cấu trúc chúng sẽ phá vỡ tế bào để tràn lan ra ngoài và mỗi con lại tìm cách chui vào một tế bào mới. Cứ như thế chu trình phát triển được lặp lại nhiều lần và ngày càng đi sâu hơn vào cơ thể. Giai đoạn này là giai đoạn ủ bệnh.
Đến một lúc nào đó (tùy thuộc vào sức khỏe mỗi người) số lượng virus đủ lớn phá vỡ cơ chế tự bảo vệ của con người thì bệnh sẽ phát ra. Đây là giai đoạn phát bệnh.
Như vậy trong giai đoạn ủ bệnh, người mang virus không có triệu chứng nên người khác không thể biết. Do đó họ có khả năng âm thầm lây truyền virus sang người khác.
Để phòng tránh bị nhiễm bệnh (hay lây truyền cho người khác), theo bác sĩ Hùng mọi người phải cố gắng ngăn chặn virus đi vào vùng hầu họng của chính mình. Đó là những phương pháp tránh tập trung chỗ đông người, đứng cách xa người nghi nhiễm bệnh trên 2m, đeo khẩu trang (bất cứ loại nào), thường xuyên rửa tay.
Theo kinh nghiệm của bác sĩ Hùng, còn một "nút chặn" sau cùng là súc họng với dung dịch sát khuẩn.
Còn bác sĩ Khanh cho biết nên súc miệng sau khi đến các khu vực nguy hiểm có nguồn lây, có thể súc họng bằng nước muối sinh lý hoặc nước súc họng khác, không nên dùng nước súc họng quá mạnh vì có thể gây bỏng họng.