Dịch Ebola bùng phát ở đông Congo có thể lại lan rộng sau khi một bệnh nhân bỏ trốn khỏi một bệnh viện, gây thêm khó khăn cho các nỗ lực phong toả bệnh dịch, WHO cho biết.
 
Reuters dẫn tin từ WHO cho biết hôm 19/4, khi chỉ còn hai ngày nữa là Cộng hoà dân chủ Congo có thể tuyên bố đại dịch Ebola lớn thứ hai thế giới kết thúc thì mỗi loạt các ca nhiễm mới được phát hiện vào ngày 10/4, sau hơn 7 tuần không có ca nhiễm mới nào.
 
Kể từ đó, giới chức y tế Congo đã tìm mọi cách để ngăn chặn bệnh dịch tái lây lan. Tuy nhiên, hôm 17/4, một tài xế xe ôm 28 tuổi, dương tính với virus Ebola đã chạy trốn khỏi bệnh viện đang chữa trị ở thành phố Beni.
 
“Chúng tôi đã dùng mọi cách để đưa anh ta ra khỏi cộng đồng”, Boubacar Diallo – một quan chức phục trách chiến dịch đối phó với Ebola của WHO cho biết. “Chúng tôi đang chờ các ca thứ phát từ anh ta”.
 
Dù dịch Ebola đã giết hơn 2.200 người từ tháng 8/2018 song các nghiên cứu cho thấy, nhiều cộng đồng ở Congo vẫn không tin bệnh này là có thực.
 
Virus Ebola (EVD) còn có tên gọi khác là sốt xuất huyết Ebola (EHF). EVD có thể gây ra một căn bệnh cấp tính, nguy hiểm tới sức khỏe con người và có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được điều trị kịp thời. Khi bị nhiễm virus Ebola, hệ miễn dịch và các cơ quan quan trọng trong cơ thể sẽ bị tấn công và tổn thương nghiêm trọng. Ngoài ra, nó còn làm giảm các yếu tố đông máu, gây ra chảy máu không kiểm soát được.
 
Ebola xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1976, sau 2 đợt bùng phát đồng thời- một ở Nzara, Nam Sudan và một ở Yambuku, DRC. Sau đó xảy ra tại một ngôi làng gần sông Ebola, vì vậy căn bệnh này đã được đặt tên theo dòng sông.