Tại Bệnh viện Đa khoa Thành Nhàn, Vũ Minh, 23 tuổi, hôm 6/7 cho biết bị ốm từ cuối tuần trước. Lúc đầu anh cảm thấy mệt, đau người, nghĩ là bệnh cảm, sốt thông thường nên tự uống thuốc và nghỉ ngơi tại nhà. Tuy nhiên một ngày sau, anh sốt cao, mê man, khó tập trung nên đi khám, bác sĩ chẩn đoán mắc cúm A, chỉ định nhập viện truyền nước và kháng sinh.

Cùng phòng điều trị với Minh có 7 bệnh nhân khác, ở mọi lứa tuổi, cùng mắc cúm A, đều nhập viện trong tình trạng nặng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hường, Trưởng đơn Khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, cho biết bệnh nhân cúm A tăng lên trong thời gian gần đây. Lúc cao điểm, đơn vị tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân một ngày. Nhiều người đến viện khám với biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, có người nặng hơn bị viêm phổi, suy hô hấp.

Tình trạng tương tự diễn ra tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, cho biết trong hàng trăm bệnh nhi đến khám, có tới một phần tư mắc cúm A. Các biểu hiện bệnh gồm sốt, viêm long đường hô hấp như ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng...

7-1657106657.jpg

Điều dưỡng đo huyết áp cho bệnh nhân cúm A nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, ngày 6/7. Ảnh: Chi Lê

Theo các bác sĩ, số bệnh nhân cúm A tăng vào mùa hè như hiện nay là bất thường so với mọi năm. Bác sĩ Thúy cho biết cúm A rất ít xuất hiện trong mùa nóng, ca bệnh xuất hiện lác đác không đáng kể. Lý do là virus cúm không phát triển và gây bệnh trong thời tiết khô, nóng, mà thường sinh sôi mạnh vào mùa đông xuân khi tiết trời lạnh, nồm ẩm.

Hiện chưa rõ nguyên nhân bệnh cúm A tăng bất thường vào mùa hè. Bác sĩ Hường cho rằng thời tiết biến đổi bất thường, đến tháng 5 vẫn còn các đợt không khí lạnh, có thể là lý do khiến virus cúm A sinh sôi. Thực trạng này có thể gây nguy cơ dịch chồng dịch, vì các ca sốt xuất huyết và bệnh nhân Covid-19 cũng tăng lên vào cùng thời điểm. Do đó, bác sĩ khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế đến nơi đông người như phòng họp, xe buýt để tránh làm lây lan dịch bệnh.

Theo bác sĩ Thúy, bệnh cúm A do các chủng virus như H1N1, H5N1, H7N9 gây nên, lây lan qua đường hô hấp thông qua các giọt bắn nhỏ từ cơ thể người bệnh khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với đồ vật, bề mặt có virus. Bệnh thường không gây nguy hiểm tính mạng, song có thể có biến chứng nặng và nguy hiểm trên nhóm người có bệnh nền tim mạch và hô hấp.

Triệu chứng ban đầu của bệnh tương tự các bệnh cúm mùa nói chung, điểm khác là trẻ thường sốt cao 39-40 độ C, da mắt, họng bị sung huyết. Trẻ mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, khi bệnh nặng có cảm giác khó thở, viêm phổi, viêm tiểu phế quản... Lúc này, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cho con đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, chăm sóc thích hợp. Bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu, nếu trẻ bị biến chứng gồm viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản sẽ được nhập viện.