Bé gái 8 tuổi T.T.V.A nghi bị mẹ kế đánh đập đến chết ngay trước ngày Giáng sinh tại TPHCM là sự việc gây ám ảnh và đau đớn. Em ra đi với cơ thể bị hành hạ và sự lạnh lẽo, cô đơn tận cùng trong nỗi lòng.

Trong căn hộ cao cấp, em sống trong cảnh tủi hờn, ghẻ lạnh, sinh hoạt hàng ngày như cái máy với danh mục việc nhà mẹ kế giao. Và hơn năm qua, cô bé không hề được gặp mẹ, không được nghe những lời vỗ về, được hít hà hơi ấm của mẹ cho đến khi qua đời. 

duabe-1640625927439-1640654126.jpeg
Công việc bé gái 8 tuổi T.T.V.A được mẹ kế giao trong ngày như một người giúp việc (Ảnh chụp lại màn hình).

Liên quan đến sự việc, được biết hàng xóm tại chung cư, nơi xảy ra sự việc thường xuyên nghe tiếng kêu khóc của trẻ, tiếng la hét của người lớn  vang ra từ căn hộ trong thời gian dài. Họ từng báo bảo vệ, ban quản lý... nhưng tất cả chỉ biết đến tiếng kêu cứu của em khi em không thể tiếp tục ở lại trần gian. 

Đau đớn phải nói, đứa trẻ 8 tuổi tử vong nghi do mẹ kế bạo hành không chỉ mất mạng vì đòn roi mà còn vì sự im lặng... 

Đau lòng phải nói, cái chết của bé là bài học cho tất cả, cho các ông bố bà mẹ trong đời sống hôn nhân, cho hàng xóm, cho giáo viên, cho các tổ chức đoàn thể... 

Các bà mẹ, sau khi ly hôn, dù có mất quyền nuôi con, xin đừng chịu đựng, hãy làm mọi cách để kêu gào lên, nếu không thể đưa con về thì chí ít cần biết con ăn ngủ, con buồn vui như thế nào ở "bên ấy". Chúng ta có thể dùng đến luật pháp, nhờ đến người thân, bạn bè, mạng xã hội, tất cả những gì có thể dùng để thực hiện quyền được thăm nom, được biết về tình hình của con. 

Bố mẹ, hàng xóm cho đến chú bảo vệ, từ ban quản lý, từ giáo viên, trường học... ai cũng cần phải làm gì đó, phải la lên khi thấy những dấu hiệu bất ổn từ một đứa trẻ. 

Bà Trần Thu Hà, tác giả cuốn sách giáo dục "Con nghĩ đi, mẹ không biết" cho biết, bản thân bà cũng từng gào lên, hét lên, tìm hết mọi sự trợ giúp để giành bằng được con về với mình sau bản án ly hôn. 

"Giúp mình lúc đó còn có bác xe ôm và một chị phụ huynh lớp của con. Bác xe ôm sẵn sàng chở mình tới đồn công an bất cứ giờ nào, có hôm 12h đêm. Chị phụ huynh làm việc bán quần áo, không có vai vế xã hội gì, chỉ có duy nhất một chiêu là kêu khóc. Chị ấy kéo con chị ấy và mình, tới đồn công an để khóc lóc", bà Hà chia sẻ.

Mới đầu, công an cũng nói đây là việc riêng của gia đình, rồi nói bé chưa có thương tích. Nhưng bà Hà đề nghị: "Các anh viết vào biên bản rằng tôi đã báo cáo mà anh không can thiệp. Nếu lỡ cháu bé bị sao thì anh chịu hoàn toàn trách nhiệm". 

Thế rồi, ngày này qua ngày khác, bà Hà liên tục đến thăm con. Bà nói với mẹ kế của cháu: "Theo luật mẹ phải được thăm con. Tôi đã thấy con tôi bị dọa dẫm, nên tôi sẽ tới thăm con mỗi ngày, cùng công an". 

Vài tuần như vậy, người mẹ đón được con gái về...

ThS.Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng lập và điều hành trường ngoại khóa TOMATO cho biết, sự việc bé gái 8 tuổi làm bà nhớ đến một câu trong bộ phim Spotlight về đề tài phòng chống xâm hại trẻ em: "Nếu cần cả một ngôi làng để nuôi một đứa trẻ thì cũng cần cả một ngôi làng để bạo hành nó".

Bé gái có thể đã tránh được cái kết đau lòng này, nếu người cha của em không thản nhiên xem việc vợ kế làm với con mình là điều bình thường; nếu ban quản lý khu chung cư nơi em sống không xem đó là "chuyện riêng của nhà người ta"; nếu trường học quan tâm đến đời sống tinh thần của học sinh trong giai đoạn học online hơn là chỉ lo chạy cho kịp chương trình, đủ kiến thức; nếu các đoàn hội, tổ chức không chỉ năng động trong hoạt động phong trào; nếu mỗi chúng ta không mặc nhiên chấp nhận và cổ vũ cho những quan niệm dung dưỡng hành vi bạo lực trẻ em như "con tôi đẻ ra, tôi có quyền", "thương cho roi cho vọt"… 

Rất nhiều chữ "nếu" như thế, để chúng ta hiểu rằng, cái ác không tự nhiên xuất hiện, cần "cả một ngôi làng" để dung dưỡng và tiếp tay "âm thầm" cho thủ phạm mà rất có thể, chính chúng ta vô tình "góp mặt" trong đó. 

duabe2-1640626213977-1640654155.jpeg
Cư dân chung cư Topaz 2, Quận Bình Thạnh, TPHCM tưởng niệm cháu bé T.T.V.A (Ảnh: Tôi là dân Bình Thạnh).

Theo bà Phương, phẫn uất, căm ghét thủ phạm thôi chưa đủ, điều đó không khiến những người lớn trở thành vô can. Chính mỗi người phải khác đi, và có rất nhiều thứ cần phải làm trong chính cộng đồng! Nếu không, rồi những việc như này cũng chỉ là một bản tin nóng sốt khiến dân mạng xôn xao vài ngày. Rồi "đến hẹn lại lên", lại sẽ có những việc đau lòng khác... 

Người Việt dĩ hòa vi quý, ngại đụng chạm, nhất là với hàng xóm. Nhưng khoảng cách từ việc không ngại chen vào chuyện người khác, sợ rách việc đến sự bàng quan, vô cảm "gần thật gần". Theo các nhà xã hội học, mỗi người và cả cộng đồng phải học cách... bao đồng (nhất là trước những hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức), học cách quan tâm đến người bên cạnh mình, bên nhà mình, trong xóm, trong làng, trong khu phố một cách văn minh, mang tính xây dựng. 

Bởi khi im lặng, có thể chúng ta đang bỏ rơi những tiếng kêu cứu trong vô vọng của những người yếu thế...

Bởi sự im lặng của người tốt cũng tàn nhẫn, lạnh lùng không kém hành động của kẻ xấu.../.