Ngày mai (18/6), hàng triệu cử tri Iran sẽ đi bỏ phiếu bầu Tổng thống mới. Cuộc bầu cử Tổng thống Iran lần này có ý nghĩa quan trọng xác định đường hướng chính trị của Iran và khu vực cũng như quốc tế trong vòng 4 năm tới.

Cuộc đua vị trí Tổng thống Iran hiện nay chỉ còn lại 4 ứng cử viên bao gồm 3 ứng cử viên theo đường lối cứng rắn và một ứng cử viên theo đường lối trung hòa là ông Abdolnasser Hemmati, cựu Thống đốc ngân hàng Trung ương Iran. Trong số 4 ứng cử viên này, Bộ trưởng Tư pháp Ebrahim Raisi, 56 tuổi, theo đường lối cứng rắn được đánh giá là ứng cử viên sáng giá nhất. Trước đó có 3 ứng cử viên đã xin rút khỏi cuộc đua. Như vậy cuộc bầu cử Tổng thống Iran lần này được xem là cuộc đua song mã giữa 2 phe trung hòa và cứng rắn.

Bầu cử Tổng thống Iran: Cuộc đua song mã giữa phe trung hòa và phe cứng rắn
Ứng cử viên Raisi đang được xem là ứng cử viên nặng ký nhất trong cuộc bầu cử tổng thống Iran. Ảnh: BBC

Cuộc bầu cử Tổng thống Iran lần này diễn ra trong bối cảnh Iran đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Kinh tế suy giảm do tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ. Đồng nội tệ rial suy giảm mạnh. Iran và các cường quốc trên thế giới vẫn đang nỗ lực để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran vốn đang lung lay sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận và áp đặt trừng phạt trở lại với Iran. Việc ứng cử viên nào giành chiến thắng trong cuộc chạy đua lần này sẽ xác định đường hướng chính trị của Iran và khu vực cũng như quốc tế trong vòng 4 năm tới. Hai ngày trước thời điểm bỏ phiếu, hôm qua, các ứng viên vẫn nỗ lực vận động tranh cử nhằm giành sự ủng hộ của cử tri.

Do ảnh hưởng của đại dịch và việc một số ứng cử viên được cử tri ủng hộ rút khỏi cuộc đua, số lượng cử tri đi bầu cử Tổng thống lần này dự báo sẽ ở mức thấp. Theo một cuộc thăm do trước bầu cử, chỉ có khoảng 40% trong tổng số hơn 59 triệu cử tri Iran đủ điều kiện sẽ đi bỏ phiếu.

Trước thời điểm bỏ phiếu, nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Iran như Đại giáo chủ Ali Khamenei và Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã kêu gọi người dân đi bỏ phiếu. Trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình, Đại giáo chủ Khamenei nhấn mạnh, việc người dân Iran đi bỏ phiếu sẽ củng cố sức mạnh đại đoàn kết và giảm áp lực của phương Tây đối với Iran. Trong khi đó, Tổng thống Iran Rouhani thì cho rằng, người dân Iran đi bỏ phiếu sẽ giúp Iran mạnh mẽ hơn.

Thiếu sự ủng hộ của người dân, cuộc bầu cử sẽ không có ý nghĩa gì cả. Mọi người có thể sẽ muốn ứng cử viên mà mình ủng hộ tham gia cuộc đua nhưng giờ họ đã không còn trong danh sách. Vì vậy hãy lựa chọn một người khác, một người có quan điểm tương tự như bạn đã lựa chọn.

Theo kế hoạch, hơn 59,3 triệu cử tri Iran đủ điều kiện sẽ đi bỏ phiếu bầu Tổng thống mới của nước này vào ngày mai. Các điểm bầu cử được mở cửa vào 7 giờ sáng 17/6 (giờ địa phương), tức 9 giờ 30 sáng mai (giờ Việt Nam) và kéo dài cho đến nửa đêm hoặc kéo dài hơn nếu cần thiết (giờ địa phương), tức 2 giờ sáng ngày 19/6.

Các phiếu bầu ở Iran thường được kiểm bằng tay, vì vậy, kết quả kiểm phiếu cuối cùng có thể được công bố sau 3 ngày. Kết quả kiểm phiếu sơ bộ sẽ được công bố sớm hơn. Nếu không có ứng cử viên nào giành đủ ít nhất 50% số phiếu bầu, hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất sẽ bước vào cuộc bầu cử vòng 2, dự kiến diễn ra vào ngày thứ 6 đầu tiên sau khi kết quả bầu cử chính thức được công bố./.