Theo phản ánh của một số phụ huynh đang có con theo học tại Trường Tiểu học thị trấn Nga Sơn, năm học 2021 – 2022 học sinh ở đây phải đóng từ 23 khoản phí, quỹ, gồm: Khoản thu bắt buộc là quỹ cha mẹ học sinh (50.000 đồng), quỹ vệ sinh môi trường (50.000 đồng), nước uống (50.000 đồng), số liên lạc điện tử (80.000 đồng), giấy kiểm tra (30 – 40.000 đồng), tiền gửi xe (120.000 đồng), quỹ đội (25.000 đồng), quỹ nhân đạo (10.000 đồng), bảo hiểm y tế (563.000 đồng), tăm tre, vòng tay nhân ái, quỹ biên giới...

Bên cạnh đó, một số khoản thu khác dưới danh nghĩa “vận động”, “tự nguyện” gồm: quỹ khuyến học (100.000 đồng), xã hội hóa giáo dục (200.000 đồng), quỹ lớp (300.000 đồng), mua máy chiếu và tivi (150.000 đồng), tiền quét dọn (150.000 đồng), tiền phô tô đề thi, tiền ghế đá, tiền học tăng cường (1,2 triệu đồng), tiền học sinh xã ngoài (700.000đ - 1 triệu đồng)...

Để tìm hiểu sự việc trên, chúng tôi đã trực tiếp trao đổi với bà Mai Thị Mai – Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Nga Sơn. Qua trao đổi, bà Mai cho rằng, 23 khoản thu là do phụ huynh cộng gộp nhiều khoản thu nhỏ trong đó. Theo lời bà Mai, các khoản thu bắt buộc đã được Phòng Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) huyện Nga Sơn phê duyệt; các khoản đóng góp “vận động”, “tự nguyện” đã được hội nghị ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường thông qua từ đầu năm học.

Tuy nhiên, qua đối chiếu với các biên bản họp phụ huynh đầu năm và kế hoạch được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nga Sơn phê duyệt, chúng tôi thấy có nhiều khoản thu không được thể hiện trong biên bản họp. Đáng chú ý kế hoạch thu chi ngoài ngân sách năm học 2021 – 2022 của Trường Tiểu học thị trấn Nga Sơn được Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nga Sơn phê duyệt thì tiền quét dọn vệ sinh (vệ sinh môi trường) là 50.000 đồng nhưng nhà trường đã thu tới 150.000 đồng (100.000 đồng quét sân trường, 50.000 đồng quét lớp học).

Về khoản thu hơn 1,2 triệu đồng (học tăng cường buổi 2), theo lý giải của Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Nga Sơn, khoản thu này là phụ huynh tự nguyện đóng để trả công cho các giáo viên dạy thêm buổi 2. Hiện tại Trường Tiểu học thị trấn Nga Sơn có 26 giáo viên, tuy nhiên, theo quy định thì trường vẫn đang còn thiếu 3 giáo viên. Do vậy, một số tiết dạy trong tuần sẽ bị trống và buộc phải tăng cường giáo viên dạy buổi 2.

Cũng theo bà Mai, việc dạy thêm (học tăng cường buổi 2) không được phòng GD&ĐT phê duyệt mà do nhà trường thống nhất với phụ huynh và tự đặt ra mức thu 1,2 triệu đồng/học sinh/năm. Quan điểm thu là để đủ bù chi, trả tiền cho các thầy cô giáo dạy thêm. Tuy nhiên, kiểm tra biên bản họp đại diện hội cha mẹ học sinh Trường Tiểu học thị trấn Nga Sơn đầu năm học 2021 – 2022 không thể hiện nội dung này.

Cùng trao đổi về khoản thu học tăng cường buổi 2 của học sinh Trường Tiểu học thị trấn Nga Sơn, bà Bùi Thị Hằng - Phó hiệu trưởng cho biết, nhà trường không trực tiếp thu tiền mà giao cho giáo viên chủ nhiệm thu. Sau đó các giáo viên chủ nhiệm sẽ “trích” lại 25% trên tổng số tiền thu được. Số tiền “trích lại” được phân chia cho Ban giám hiệu và bộ phận hành chính liên quan, một ít dành cho quỹ của nhà trường...

Ngoài ra, trong năm học 2021 – 2022, Trường Tiểu học thị trấn Nga Sơn còn vận động thu 700.000 – 1 triệu đồng/học sinh từ địa phương khác (ngoài địa bàn thị trấn) theo học để mua sắm bàn ghế, thiết bị dạy học.

Có một điều khá bất ngờ là Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Nga Sơn đều khẳng định không chỉ riêng Trường Tiểu học Thị trấn Nga Sơn mới thu các khoản trên mà các trường khác cũng thu như vậy. Bà Mai khẳng định thời điểm bà làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nga Thanh cũng đã thu các khoản trên.

Trả lời báo chí về các khoản thu nói trên, ông Nguyễn Thanh Sơn – Trưởng phòng Phòng GD&ĐT huyện Nga Sơn tỏ ra rất bất ngờ. Theo ông Sơn, ngoài các khoản thu bắt buộc hoặc vận động do Phòng GD&ĐT huyện phê duyệt, nhà trường muốn “vận động xã hội hóa” thì phải triển khai xây dựng kế hoạch, tổ chức họp bàn thống nhất với ban đại diện cho mẹ học sinh của trường từ đầu năm và phải được thể hiện bằng biên bản. Nếu vận động thu tự nguyện nhưng không họp bàn và thể hiện bằng biên bản là sai quy trình. Việc nhà trường tổ chức học thêm, học tăng cường có thu tiền là trái quy định.

Được biết, hiện Trường Tiểu học thị trấn Nga Sơn có 812 em học sinh, trong số đó có khoảng 400 học sinh là con em đang sinh sống tại các xã lân cận thị trấn Nga Sơn./.