Việc mời nhau uống chè xanh không chỉ là phong tục mà còn là nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng đất này. Tình nghĩa anh em, láng giềng được thể hiện qua những giờ phút quây quần bên bát nước chè xanh, tạo nên sự gắn kết và thân tình trong cộng đồng.
Ở xứ Nghệ, tập tục uống chè xanh trong gia đình đã tồn tại từ bao đời, tuy nhiên, không giống các vùng miền khác, tại đây, mỗi khi nấu nồi chè tươi, gia chủ thường không uống giải khát một mình mà rủ hàng xóm sang uống cùng. Tập tục này được nói vắn tắt thành “gọi chè”, chẳng ai rõ ra đời từ khi nào, nhưng được lưu truyền khắp miền thôn xứ Nghệ.
Theo người dân Nghệ An: Nói về văn hóa chè trong đời sống bản địa, ngay từ bé tôi đã cảm nhận rõ chuyện uống chè trong gia đình là điều không thể thiếu mỗi ngày. Ngay cả lúc đất nước khó khăn nhất, bát nước chè như sự động viên, thậm chí giúp giải quyết cả phần khó khăn vì nông dân nghèo quê tôi đi cày cấy về không có cơm ăn, chỉ ăn một củ khoai luộc, xong uống bát nước chè đặc rồi lên võng đu đưa, cảm giác rất tuyệt vời.
Chè là cầu nối giúp láng giềng gần nhau hơn nhờ tính cộng đồng cao thông qua hành động “gọi chè”. Cái cớ “gọi chè” được ông An chia sẻ thêm: “Nhà người dân quê cách nhau dậu thưa, không kín cổng cao tường như thành thị. Mỗi khi ra đồng về, nông dân nắm theo mớ chè tươi mới hái, om nồi chè, nhà nào xong trước bước ra hiên, với hàng xóm sang uống cùng, rôm rả chuyện đồng áng, vụ mùa, rất chân tình, gần gũi. Nhà nào khá hơn pha thêm chút mật mía vào bát chè xanh. Chúng tôi lớn lên được các cụ truyền lại, uống nước chè với mật mía là loại thực phẩm đặc biệt, giúp bổ sung năng lượng. Nông dân chúng tôi da anh nào cũng đỏ au, khuôn mặt thể hiện sức khỏe rạng ngời sau những bát nước chè ấy”.
Cây trà ở đây không được trồng thành những quả đồi như: Lâm Đồng, Thái Nguyên… mà là từng bụi chè rải rác. Có nhà trồng trà tạo thành hàng rào quanh nhà, có nhà chỉ lác đác vài bụi trong vườn. Những cây trà này hoàn toàn mọc tự nhiên, không chăm sóc, không tỉa tót. Mục đích của nó tồn tại là để mang đến cho gia đình món nước giải khát trong những trưa hè nóng bức.
Đúng như cái tên của nó, nguyên liệu chính cho chè xanh là những lá chè còn tươi, mới được cắt từ cây trà xuống. Thay vì chỉ lựa chọn những lá trà non, người ta cắt luôn cả cành, non già hoa lá đủ cả. Vì nó là thức uống dân dã, nên lúc nào tiện người ta sẽ hái lúc đó chứ không hái vào sáng sớm như những loại trà khác. Sau khi cắt những cành trà từ trên cây, người ta sẽ ngắt từng lá đem đi rửa.
Bước tiếp theo là đun nước. Người miền quê thường dùng nước giếng trong sinh hoạt và nấu nướng. Còn người thành phố, người ta xài nước máy. Thường nước máy sẽ làm mất đi một phần mùi vị chè xanh vì có hàm lượng flo cao.
Khi nước sôi, giảm lửa, bỏ toàn bộ lá trà vào và tăng lửa lên cho sôi trào trở lại thì cho vào nồi một gáo nước nguội, điều này giúp lá chè chín và khi uống không bị mùi tanh giống như pha trong ấm tích. Trước khi bỏ vào nồi, người ta sẽ vò sơ qua cho những tinh chất trong lá trà tiết ra khi nấu và màu nước chè sẽ đẹp hơn. Do người dân xứ Nghệ có thói quen uống đậm đặc nên sẽ đun trực tiếp trên bếp. Một số nơi khác người ta sẽ om bằng nước sôi trong ấm tích. Nhưng om chè bằng ấm tích sẽ không bao giờ ngon bằng đun trực tiếp trên bếp, vì nhiệt độ của nước không đủ để làm chín lá trà, bao nhiêu tinh túy trong lá trà không tiết ra được.
Sau khi nấu xong, người nấu sẽ trút toàn bộ nước chè vào trong một ấm trà khác để giữ cho nước có màu vàng đẹp mắt. Nếu lá chè non, lá mỏng nấu nước lên sẽ đỏ, uống vào không có vị thơm, chát. Chè được om hoặc nấu trong ấm, bình giữ nhiệt đảm bảo luôn đủ độ nóng. Bát nước chè khi rót ra phải nóng hổi, bốc khói, nước chè phải có màu vàng sóng sánh. Nước chè ngon khi uống vào có vị chát đầu lưỡi nhưng khi nuốt qua cổ họng sẽ thấy vị ngọt thanh.
Ở xứ Nghệ, người ta sẽ sản xuất một cái ấm chuyên dụng để nấu chè xanh, trên nắp ấm có một cái lỗ để thoát hơi nước, một số nơi người ta sử dụng lá chuối bịt kín nồi và đục một lỗ cho hơi thoát ra, giúp cho lá chè sau khi nấu vẫn giữ được màu xanh. Chè tươi khi đem om nồi Trù Sơn (làng làm nồi đất Trù Sơn thuộc huyện Đô Lương), cảm giác như độ ngọt thơm tăng lên bội phần.
Vì đây là đồ uống nấu trực tiếp từ lá trà tươi, nên tinh chất trong lá trà vẫn còn nguyên vẹn, khi uống sẽ có vị chát, nếu không quen thì rất khó uống. Chè uống ngon nhất là sau khi nấu 10 phút, có vị thơm, chát và hậu ngọt. Còn đối với chè xanh được om trong ấm tích, nên uống liền sau khi pha vì nếu để lâu sẽ có vị tanh do lá chưa chín.
Người ta thường uống chè xanh ăn kèm với kẹo cu đơ, mục đích làm giảm vị chát của chè xuống hoặc hòa chung với đường và chanh để tăng độ ngon của chè xanh.
Ngoài việc trở thành nước giải khát hàng ngày, chè xanh còn là thức uống chủ yếu trong những ngày đám tiệc, lễ giỗ. Thay vì mua những chai nước lọc đóng chai, người ta nấu từng nồi chè xanh (40-50 lít) để phục vụ tất cả mọi người và sẽ có một người được cắt cử đảm nhiệm công việc này riêng.
Chè xanh đã trở thành một thức uống quen thuộc của tất cả mọi người từ người già cho đến trẻ nhỏ. Người dân Nghệ An đi đâu cũng mang thức uống này theo mình như một nét văn hóa không bao giờ bị mai một.
Ở xứ Nghệ, mỗi phiên chợ quê đều có một góc dành cho các các gánh hàng chè xanh về tập kết buôn bán, các chị các mẹ mỗi lần đi chợ lại tranh thủ lựa chọn cho mình những bó chè ưng ý. Bó chè ngon là chè không quá già nhưng cũng không được non, lá có màu xanh đậm, cành đã có nụ thì nấu lên nước càng ngon, màu sắc càng đẹp. Có những vùng quê người dân chỉ sử dụng lá chè để nấu nước, người dân xứ Nghệ khi nấu nước chè thường bẻ cả cành thành từng khúc nhỏ, vừa lá vừa thân, vừa nụ vừa hoa, sau đó được rửa thật sạch rồi đem lên đun nấu hoặc om chè trong ấm giữ nhiệt.
Dịp Tết đến xuân về, bát nước chè xanh quê nhà không chỉ dùng để đãi khách mà còn là bát nước tinh túy để dâng lên bàn thờ cúng tổ tiên. Những ngày đầu năm mới, phong tục đến nhà thăm hỏi, chúc tết nhau là một nét văn hóa đẹp và gần như không gia đình nào là không chuẩn bị một ấm chè ngon. Bát nước chè xanh vàng sánh, ấm áp tỏa hương thơm dịu nhẹ thiết đãi khách cùng với những lời chúc tốt đẹp nhất dành cho khách và gia chủ để cùng nhau đón một năm mới ấm áp nghĩa tình, dồi dào sức khỏe, nhiều thành công, may mắn và hạnh phúc.
Chè xanh đã trở thành một thức uống quen thuộc của tất cả mọi người từ người già cho đến trẻ nhỏ. Người dân Nghệ An đi đâu cũng nhớ đến thức uống này bởi đây là một nét văn hóa không bao giờ bị mai một.