Lá chắn xanh bảo vệ đất liền
Từ TP.Vinh, chạy dọc theo con đường ven sông Lam, đoạn từ địa phận xã Hưng Hòa (TP.Vinh), xuống chân cầu Cửa Hội thuộc phường Nghi Hải (TX.Cửa Lò), những cánh rừng bần, rừng sú xanh tốt, như một con đê xanh chạy dài tít tắp làm nhiệm vụ chắn sóng, chắn bão cho người dân các xã ven biển.
Chúng tôi gặp ông Hoàng Thiên Dương, trú tại xóm Xuân Cảnh, xã Nghi Xuân (Nghi Lộc), người đã có hơn 10 năm làm nhiệm vụ trông coi và bảo vệ vùng rừng ngập mặn tại địa phương này.
Thoảng trong hương biển mặn mòi, giữa tiếng chim hót râm ran, chỉ tay về phía cánh rừng bần bạt ngàn, ông Dương hứng khởi kể, những cánh rừng bần, rừng sú ở đây đã có từ lâu, ngày trước người dân cũng không mấy coi trọng, nhiều người còn lội xuống chặt cây về phơi làm củi, có người còn vào rừng săn bắt chim. Thế rồi sau nhiều năm hứng chịu những trận bão lớn, sóng dâng cao cả chục mét đánh thẳng vào đất liền, người dân đã biết quý trọng những cánh rừng ngập mặn hơn.
Ông Dương cũng cho biết, ông bảo vệ và chăm sóc tất cả 14,1 ha kéo dài từ xã Nghi Thái (Nghi Lộc) đến xuống tận chân cầu Cửa Hội thuộc phương Nghi Hải (TX.Cửa Lò). Hằng ngày, ngoài việc phải thường xuyên tuần tra, ông Dương luôn phải chằng chống lại những cây non mới trồng mỗi khi thủy triều lên cao. Vào những khi mưa gió, ông còn phải túc trực ngoài rừng để hỗ trợ cho những chiếc thuyền đánh cá không may bị dạt vào rừng.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, trong năm 2021, thực hiện Dự án “Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển – FMCR”, đã có 28,83 ha rừng phòng hộ ven biển đã được trồng mới, trong đó có 23,71 ha rừng ngập mặn và 5,12 ha rừng chắn gió, chắn cát.
Ông Nguyễn Công Sơn – Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc cho biết: Toàn huyện Nghi Lộc hiện có 3.131,70 ha rừng ven biển, trong đó có 1.059,80 ha rừng phòng hộ, đặc dụng; 2.071,90 ha rừng sản xuất. Hầu hết diện tích rừng bần, rừng sú ngập mặn, và rừng phi lao chắn gió, chắn cát đều đã được giao khoán cho các hộ dân chăm sóc, bảo vệ.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng thừa nhận khó khăn trong việc giao khoán hiện nay là chi phí chi trả cho các hộ dân nhận khoán đã giảm xuống so với trước đây, điều này sẽ khiến cho nhiều hộ dân không mặn mà với việc chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn. Bởi khác với rừng phòng hộ tại các huyện miền núi, người dân có thể khai thác nguồn lợi từ rừng, nhưng đối với rừng ngập mặn, rất khó để người dân có thể khai thác được nguồn lợi thủy sản trong đó.
Không riêng gì Nghi Lộc, hiện tại Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An cũng đang quản lý một diện tích rừng phòng hộ ven biển lên đến 3.017,50 ha nằm trên địa bàn TX. Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu. Hiện nay, hầu hết rừng phòng hộ cũng được giao khoán cho người dân trông coi, chăm sóc, một số diện tích thì giao cho địa phương quản lý.
Tại huyện Diễn Châu, do không thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ nên hiện nay 1.249,29 ha rừng phòng hộ ven biển đang được giao cho Hạt Kiểm lâm Diễn Châu quản lý, trong đó có 114,99 ha rừng ngập mặn và 341,52 ha rừng phi lao chắn cát, chắn gió.
Tăng cường bảo vệ và phát triển
Để bảo vệ và phát triển diện tích rừng ven biển, vào ngày 17/1/2022 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030”. Theo kế hoạch này, UBND tỉnh giao cho các địa phương và các đơn vị quản lý tiến hành tổ chức rà soát xây dựng kế hoạch, tổng hợp chỉ tiêu nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng ven biển hàng năm và từng giai đoạn 5 năm từ các dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 theo các chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững…
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiến hành rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ba loại rừng gắn với rà soát quy hoạch lâm nghiệp quốc gia. Xác định quỹ đất, hiện trường dành cho bảo vệ và phát triển rừng ven biển, đảm bảo khả thi, ổn định lâu dài, làm căn cứ xem xét thu hồi đối với những diện tích đất thuộc hành lang an toàn bảo vệ đê, diện tích quy hoạch trồng rừng ven biển bị lấn chiếm, sử dụng trái phép, diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả để khôi phục và trồng rừng theo quy định.
Theo kế hoạch thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng ven biển năm 2022, toàn tỉnh sẽ trồng mới 15,15 ha, đồng thời bổ sung, phục hồi, làm giàu 255 ha rừng ngập mặn và rừng chắn gió, cát ven biển. Tuy nhiên, theo ý kiến của đại diện các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng ven biển, hiện nay do khó khăn về nguồn kinh phí nên việc trồng mới cũng như bảo vệ diện tích rừng phòng hộ ven biển hiện có còn chưa thực hiện được nhiều.
Chưa kể, hiện nay hoạt động bảo vệ rừng theo Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” được thực hiện lồng ghép với các dự án đầu tư công, các chương trình, dự án trên địa bàn nên nguồn kinh phí không đầy đủ, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Ông Nguyễn Khắc Hải – Trưởng phòng Quản lý và Bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết: Căn cứ kết quả rà soát của các địa phương, ngành Lâm nghiệp đã tiến hành giao khoán cho người dân, góp phần tăng cường vai trò của cộng đồng trong bảo vệ rừng. UBND tỉnh cũng sẽ rà soát cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng ven biển hiện có để bổ sung các chính sách phù hợp với tình hình thực tế và các hiện hành giai đoạn 2021-2030.
Rừng ngập mặn là yếu tố quan trọng làm giảm sự tác động của biến đổi khí hậu, ngăn sóng, chống bão và cân bằng hệ sinh thái vùng ven biển. Vì vậy, ngành Lâm nghiệp thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tiến hành chăm sóc, bảo vệ và giao khoán rừng theo đúng quy định của pháp luật
Ông Nguyễn Khắc Hải - Trưởng phòng Quản lý và Bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An