Truyền thông Trung Quốc vừa lên tiếng trước thông tin của Mỹ cho rằng Bắc Kinh đang xây dựng hơn 100 hầm chứa tên lửa, cho biết các “hầm chứa tên lửa” này trên thực tế là các trang trại điện gió trên sa mạc.

Thông tin trên được đăng trên tờ “Tin tức tham khảo”, một ấn phẩm của hãng thông tấn Tân Hoa, trong khi Trung Quốc vẫn chưa đưa ra các bình luận chính thức về vấn đề này.

Báo Trung Quốc: “Hầm chứa tên lửa” thực chất là trang trại điện gió
Bức ảnh vệ tinh có dòng chữ Yumen Gansu Windfarm ở phía bên phải đăng trên tờ Bưu điện Washington.

Tờ báo cho rằng các bức ảnh vệ tinh đăng trên tờ “Bưu điện Washington” (Washington Post) của Mỹ đã “bộc lộ lỗ hổng lớn nhất của toàn bộ bài viết” khi phía bên phải của một bức ảnh ghi dòng chữ “Trang trại điện gió Ngọc Môn Cam Túc” (Yumen Gansu Windfarm), trong khi các nhà nghiên cứu Mỹ và các bài báo của Mỹ dường như đã cố tình bỏ qua điểm này.

Tờ báo này cũng cho biết, có người đã phóng to bức ảnh vệ tinh về các vị trí liên quan trên phần mềm bản đồ và nhận thấy rằng nơi đó có các hàng tuabin gió, bóng của nó trên mặt đất hiện rõ đường viền của các cánh quạt.

Khi tìm kiếm trên một phần mềm bản đồ của Trung Quốc, tại khu vực hình cánh quạt như trong bức ảnh vệ tinh, có khá nhiều trang trại điện gió.

Theo bài báo, không khó để nhận thấy từ hình ảnh vệ tinh, các “hầm chứa” phân bố rất dày đặc, rõ ràng là không hợp lý, vì bãi phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) chiếm diện tích lớn và phải phân bố rộng để tránh bị phá hoại khi địch tấn công.

Bài báo cũng dẫn lời học giả quân sự Trung Quốc, Tống Trung Bình (Song Zhongping), cho rằng, việc sử dụng hầm chứa dưới lòng đất để phóng tên lửa là một thông lệ thời Chiến tranh Lạnh và nay đã lạc hậu.

Hồi đầu tháng, tờ “Bưu điện Washington” của Mỹ đã đăng bài viết sử dụng các hình ảnh vệ tinh của Trung tâm Nghiên cứu Giải trừ vũ khí James Martin cho rằng, có 119 vị trí xây dựng gần như giống hệt nhau tại hai khu vực sa mạc ở phía Tây và Tây Nam thành phố Ngọc Môn, tỉnh Cam Túc, miền Tây Bắc Trung Quốc và các tính năng của chúng tương tự như các cơ sở phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân hiện có của nước này.

Ông Lewis, Giám đốc Dự án Không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á của Trung tâm James Martin cho rằng, những hầm chứa này có thể được thiết kế cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-41 (Dongfeng-41). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Price sau đó đánh giá, điều này cho thấy kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể nhiều hơn dự tính trước đó và đây là điều đáng lo ngại./.