Những ngày gần đây, tại một số vỉa hè, góc công viên ở Hà Nội xuất hiện "chợ" bảo hiểm xe máy. Cảnh mua bán diễn ra tấp nập khi những lái xe ôm, sinh viên mua bảo hiểm xe máy để "đối phó" lực lượng chức năng, còn người bán lại khấp khởi mừng vì "đắt hàng".
Một góc “chợ” bảo hiểm xe máy ở vỉa hè phố Nguyễn Xiển (Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: Bảo Loan
Mua vội cho... có
10h sáng 20/5, khu vực vỉa hè dọc phố Nguyễn Xiển (thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) tấp nập khoảng10 quầy hàng rong. Chủ những hàng rong ở đây không chỉ rao bán trái cây, kính mắt… mà bán thêm cả bảo hiểm xe máy. Trước mỗi quầy hàng là tấm biển được kê vội ngay dưới lề đường, với dòng chữ bắt mắt: "Điểm bán bảo hiểm xe máy".
Ghi nhận của PV trong thời gian khoảng 20 phút, rất nhiều khách hàng tấp vào những "điểm bán bảo hiểm xe máy" này để mua bảo hiểm xe máy. Vừa thanh toán 70.000 đồng cho "gói" bảo hiểm xe máy của mình, anh Nguyễn Văn Lê (27 tuổi, là tài xế xe ôm) thừa nhận, anh mua bảo hiểm xe máy để đối phó lực lượng chức năng.
Anh Lê nói: "Đợt tổng kiểm soát các phương tiện giao thông này, bảo hiểm xe máy của tôi hết hạn nên tôi ý thức được phải có tờ giấy này trong ví của mình. Chưa biết là khi xảy ra vấn đề về giao thông, người lái xe hoặc người bị hại sẽ được hỗ trợ như thế nào, nhưng bảo hiểm xe máy cũng không quá đắt tiền, thà có nó trong ví còn hơn là bị lực lượng chức năng lập biên bản, xử phạt".
Chị Hoài (23 tuổi) cũng vội vàng dừng xe tại một điểm bán bảo hiểm trên con phố này. Điều đầu tiên chị quan tâm là giá của mỗi tờ bảo hiểm xe máy. Chị Hoài cho biết: "Tôi ý thức được việc tham gia giao thông an toàn nhưng vẫn phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ xe khi ra ngoài. Nếu lực lượng chức năng kiểm tra, ít nhất tôi cũng không bị xử phạt vì lỗi không có bảo hiểm xe máy. Trong khi đó, bảo hiểm xe máy không hề đắt, chỉ khoảng 70.000 đồng/tờ".
Bán thêm bảo hiểm để "ăn chênh"
Bà Văn đon đả mời chào khách mua bảo hiểm xe máy dù không thể ghi thông tin cho khách hàng.
Thu nhập từ việc bán kính mắt chẳng được bao nhiêu, nên để tăng thêm thu nhập, bà Văn (65 tuổi, ở huyện Thường Tín, Hà Nội) đã bán thêm bảo hiểm xe máy. Mặc dù mắt kém và không thể tự ghi thông tin khách hàng vào cuốn sổ đặt ở gốc cây, bà Văn vẫn vẫy đón những người có nhu cầu.
Cầm trên tay cuốn bảo hiểm xe máy, bà Văn cho biết: "Mỗi cuốn bảo hiểm khá dày, ai có nhu cầu bán để kiếm thêm thu nhập thì sẽ có người mang tới. Thực tế, khi chúng tôi đứng ở đây bán hàng, người của bên bảo hiểm đã tự mang đến và bán cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ bán lại để "ăn chênh". Mỗi tờ bảo hiểm này tôi được lãi từ 4.000 - 10.000 đồng. Ai mua bảo hiểm xe máy thì ghi thông tin vào tờ bảo hiểm này, hoặc mang về tự ghi giúp tôi. Tôi già rồi, mắt kém lắm, thường thì phải nhờ người ghi hộ".
Một bảo hiểm xe máy được bán với giá 70.000 đồng.
Vừa chỉ vào những quầy hàng rong phía trước, bà Văn vừa tiết lộ: "Tôi mới bán bảo hiểm xe máy thôi, chưa có khách nào hỏi thăm cả. Nhưng mấy quầy hàng rong phía trên kia bán rất tốt, nhiều khách vào mua lắm. Mới sáng nay thôi, quầy bán kính bên trên đã bán được 3 tờ rồi".
Mặc dù đon đả giới thiệu bảo hiểm nhưng khi PV hỏi về những quy trình, thủ tục để được đơn vị bảo hiểm hỗ trợ chi trả thì bà Văn cho biết: "Họ chỉ bảo tôi là thời điểm này, cơ quan chức năng ra quân kiểm tra các loại xe cơ giới nên sẽ có rất nhiều người tìm đến mua bảo hiểm. Tôi chỉ biết bán để "ăn chênh" thôi, chứ làm thế nào để nhận được hỗ trợ thì trong bảo hiểm này đã ghi hết rồi mà".
Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an), đợt tổng kiểm soát các phương tiện giao thông đường bộ lần này, lực lượng chức năng chỉ tập trung vào các lỗi có nguy cơ gây nguy hiểm như lạng lánh, đánh võng, ma túy, nồng độ cồn, chạy quá tốc độ… Còn với bảo hiểm xe máy thì quy định bắt buộc đối với giấy tờ này đã có từ lâu và kiểm tra giấy tờ xe là công việc hàng ngày của CSGT chứ không phải đến khi ra quân tổng kiểm soát mới làm.
Ghi nhận của PV, tại Hà Nội, hoạt động mua bán bảo hiểm xe máy không chỉ diễn ra ở các góc công viên, lề đường như đường Nguyễn Xiển (Thanh Trì), đường Giải Phóng (Hoàng Mai), đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy)… mà còn xuất hiện ở cả những điểm thu tiền điện, nước, cửa hàng tạp hóa…
Theo đó, các đại lý phân phối bảo hiểm đều cho rằng, mặc dù không ít người mua bảo hiểm xe máy đều hỏi về điều kiện, thủ tục để bên thứ ba (người bị tai nạn) được nhận hỗ trợ, tuy nhiên, khi đọc thông tin chung chung ghi trên tờ bảo hiểm "100 triệu đồng/người/vụ tai nạn đối với người thứ ba và 50 triệu đồng/vụ tai nạn" thì họ đều xác định rằng, mua bảo hiểm xe máy là để đối phó với lực lượng chức năng khi tham giao thông. Bởi lẽ, để chứng minh sự thiệt hại trong một vụ tai nạn đối với đơn vị bảo hiểm sẽ mất không ít thời gian, công sức.
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, nhiều người đang coi bảo hiểm xe máy là một loại giấy tờ đủ điều kiện thông hành khi tham gia giao thông, nhưng thực tế, bảo hiểm xe máy có ý nghĩa rất nhân văn. Bảo hiểm xe máy ràng buộc trách nhiệm người tham gia giao thông với người thứ ba nếu người tham gia giao thông gây tai nạn, làm thiệt hại tài sản, con người.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết: "Bản thân xe cộ là nguồn nguy hiểm cao độ có thể gây tai nạn giao thông bất cứ lúc nào. Trong khi đó, không phải ai cũng có đủ khả năng, điều kiện bồi thường cho bên thiệt hại. Vì vậy, điều kiện có bảo hiểm xe máy nhằm ràng buộc cũng như đảm bảo quyền lợi cho người bị tai nạn, để giảm thiểu thiệt hại cho cả hai bên. Tuy nhiên thực tế theo tôi quan sát thì chưa có nạn nhân nào được đơn vị bảo hiểm bồi thường cả. Bởi trong vấn đề này, cần phải có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong khâu xây dựng chính sách, tuyên truyền những quyền lợi cho người dân.
Thứ hai là, người mua bảo hiểm xe máy chỉ dừng lại ở góc độ là mua để đối phó, ít người biết được mình có quyền lợi gì khi mua bảo hiểm và làm thế nào để được đơn vị bảo hiểm hỗ trợ. Người mua bảo hiểm xe máy phải ký hợp đồng với đơn vị bảo hiểm. Trong đó, phải nắm rõ quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên và cách thức để bồi thường".