Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nêu rõ, trên tinh thần "sửa Luật Dược nhanh nhất có thể", Bộ Y tế, các cơ quan soạn thảo không chỉ sửa những vấn đề trước mắt, mà bao gồm cả định hướng phát triển công nghiệp dược, hệ thống phân phối. Cùng với đó, các hiệp hội, doanh nghiệp dược không chỉ phản biện bất cập, vướng mắc trong quy định, chính sách mà cần chủ động đề xuất cụ thể để tháo gỡ từng điểm cụ thể.

Phó Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, Bộ Y tế phải xử lí dứt điểm việc gia hạn số đăng kí lưu hành thuốc; khẩn trương báo cáo về cơ chế tham chiếu biệt dược gốc (thuốc phát minh) trong đăng kí lưu hành thuốc; hoàn thành quy định phí thẩm định hồ sơ cấp phép số đăng kí lưu hành thuốc; khẩn trương sửa đổi Thông tư 30/2018/TT-BYT về ban hành Danh mục và tỉ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, theo hướng cập nhật hằng năm hoặc trong trường hợp cần thiết.

5538-p1slllvv-1663821592.jpg

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương trình phương án xử lí việc nợ đọng tiền thuốc, vật tư thuộc diện bảo hiểm y tế chi trả và phương án xử lí việc nợ đọng tiền thuốc, vật tư thuộc diện bảo hiểm y tế chi trả do thanh toán vượt trần.

Tại cuộc họp, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lí Dược (Bộ Y tế) cho biết, thị trường dược phẩm Việt Nam đang tăng trưởng mạnh với tổng giá trị từ 3,4 tỉ USD trong năm 2015 lên 6,92 tỉ USD năm 2021. Tiền thuốc bình quân đầu người năm 2021 đạt mức 73 USD, ước tính năm 2022 là 75 USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp dược 10-12%. Sản xuất thuốc trong nước chiếm 46% tổng giá trị tiền thuốc điều trị. Hiện Việt Nam có 228 nhà máy sản xuất dược đạt tiêu chuẩn GMP-WHO. Theo báo cáo của 11 doanh nghiệp trong nước, tổng số vốn đầu tư vào các dây chuyền sản xuất EU-GMP, PIC/S-GMP trong 5 năm gần đây khoảng 12 nghìn tỉ đồng…

Cục trưởng Cục Quản lí Dược nhận định, hiện nay, công nghiệp dược Việt Nam đang đón đầu nhiều cơ hội phát triển và sẵn sàng đón nhận, thu hút đầu tư từ các ngành công nghiệp dược hiện đại trên thế giới theo đúng định hướng và mục tiêu của ngành. Các quy định hiện nay, từ chính sách chung đến quy định chuyên ngành, đều tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp dược; ưu đãi, thu hút đầu tư đối với việc sản xuất, đặc biệt sản xuất thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc công nghệ cao, thuốc phát minh, thuốc sinh học, vaccine sinh phẩm, nguyên liệu làm thuốc…

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các cơ sở sản xuất chủ yếu tập trung đầu tư sản xuất thuốc generic thông thường, chưa chú trọng vào nghiên cứu sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc mới, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc phát minh… do việc nghiên cứu, chuyển giao các thuốc này cần đầu tư lớn về tài chính, thời gian, nguồn nhân lực chất lượng cao; trong khi chưa có chính sách, cơ chế thúc đẩy việc nghiên cứu sản xuất…

Thời gian tới, các lĩnh vực công nghiệp dược cần tập trung thu hút đầu tư vào công nghệ bào chế và nâng cao chất lượng sản phẩm; sản xuất nguyên liệu; xây dựng các trung tâm nghiên cứu vaccine, sinh phẩm và chuyển giao công nghệ vaccine đa giá; phát triển nguồn dược liệu trong nước; nâng cao năng lực nghiên cứu, kiểm nghiệm dược phẩm.../.