Những nỗ lực của Việt Nam đã được báo chí nước ngoài ghi nhận. Rất nhiều bài viết từ các trang tin nổi tiếng thế giới đang nhìn nhận sự cố gắng của Việt Nam, về việc "làm tất cả để điều trị cho bệnh nhân 91."
 
Cho đến thời điểm hiện tại, phi công người Anh - "bệnh nhân thứ 91" vẫn đang là trường hợp biến chứng nặng nhất sau khi nhiễm Covid-19 của Việt Nam. Tình hình của bệnh nhân liên tục có các chuyển biến xấu, 2 lá phổi đông đặc 90%, buộc các bác sĩ phải tính đến phương án ghép phổi.
 
Và toàn bộ những nỗ lực ấy đã được báo chí nước nước ngoài ghi nhận. Rất nhiều bài viết từ các trang tin nổi tiếng thế giới đang nhìn nhận cố gắng của Việt Nam, về việc "làm tất cả để điều trị cho bệnh nhân 91", đồng thời ca ngợi thành quả khiến cả thế giới ghen tị đến từ các biện pháp quyết liệt của chính phủ.
 
Ngày 14/5, trang Reuters đã có một bài viết về quá trình chữa trị cho phi công người Anh của Việt Nam. "Việt Nam đang nỗ lực hết sức để cứu mạng phi công 43 tuổi người Anh được biết đến với cái tên "bệnh nhân 91". Người này được xác định nhiễm virus khi tới một quán bar ở thành phố Hồ Chí Minh vào giữa tháng 3. Hơn 4.000 người có liên quan tới quán bar này đã được xét nghiệm Covid-19 với 18 trường hợp bị nhiễm." - trích trong bài viết của Reuters.


 
Việt Nam tự tin thực hiện thành công ca ghép phổi cho phi công Anh
 
Theo Reuters, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân 43 tuổi đang rất được chú ý ở Việt Nam, quốc gia người dân dành rất nhiều sự ủng hộ cho Chính phủ trong công cuộc ngăn chặn Covid-19 lây lan. Hôm 14/5, Việt Nam ghi nhận 10 người, trong đó có một cựu chiến binh 70 tuổi, đăng ký hiến phổi cho phi công người Anh đang rất nguy kịch. Tuy nhiên, các bác sĩ đã từ chối.
 
"Chúng tôi cảm ơn lòng tốt của họ nhưng quy định hiện hành không cho phép chúng tôi ghép tạng từ những người còn sống khỏe mạnh cho bệnh nhân," - Reuters dẫn lời một vị đại diện Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia trong cuộc phỏng vấn với báo Tuổi trẻ.
 
Những thành quả đáng ghen tị
 
Trang BBC mới đây cũng đã có một bài phân tích về cách chống dịch và đạt được thành quả đáng kinh ngạc của Việt Nam.
 
BBC đưa tin gần một tháng nay, Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, và mọi hoạt động đang dần trở lại bình thường. Bài báo của BBC nhận định rằng, theo các chuyên gia, trong khi nhiều quốc gia khác có số ca nhiễm và tử vong trên quy mô lớn, Việt Nam đã nhận thấy phải tranh thủ từng giây từng phút để hành động sớm, và có những quyết định triệt để để không bỏ lỡ "cánh cửa hẹp" chống dịch.
 
"Việt Nam đã hành động rất, rất nhanh, điều có vẻ như khá cực đoan ở thời điểm đó nhưng sau đó được chứng tỏ là rất hợp lý", Giáo sư Guy Thwaites, giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tại thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị hợp tác với chính phủ Việt Nam về các chương trình bệnh truyền nhiễm, bình luận.
 
BBC nhận định, Việt Nam thực hiện các biện pháp mà các nước khác phải mất hàng tháng mới làm được như hạn chế đi lại, theo dõi chặt chẽ và cuối cùng đóng cửa biên giới với Trung Quốc và tăng cường kiểm tra sức khỏe tại các cửa khẩu và những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.
 
Giáo sư Thwaites cho rằng việc cách ly trên diện rộng như vậy là hết sức quan trọng vì bằng chứng cho thấy có tới một nửa số người mắc bệnh không xuất hiện triệu chứng.
 
Tất cả những ai đi cách ly đều được xét nghiệm, cho dù họ có triệu chứng hay không, và theo giáo sư Thwaites, có tới 40% các ca nhiễm được xác nhận ở Việt Nam sẽ không hề biết họ mang virus hay không nếu họ không được xét nghiệm.
 
Bài báo cũng nhắc đến việc dù Việt Nam chưa bao giờ áp dụng lệnh đóng cửa tuyệt đối trên cả nước nhưng áp dụng khoanh vùng, dập dịch ở từng ổ dịch.


 
Sự ủng hộ và chủ động phòng chống dịch của người dân
 
Trang tin News.com.au của Úc cũng có chung nhận định thông qua một bài viết trong ngày 17/5 của cây bút Phoebe Loomes. Bài viết mở đầu bằng việc nêu ra kết quả đáng ngạc nhiên mà Việt Nam đã đạt được. Cụ thể, Việt Nam đã tái khởi động nền kinh tế sau dịch bệnh, hiện các quán ăn và cơ sở kinh doanh đã được phép mở cửa.
 
Trong vòng vài tuần sau đó, tất cả các chuyến bay quốc tế và nội địa đều phải dừng lại. Chính phủ cũng yêu cầu các nhà thuốc báo cáo số người mua thuốc cảm cúm và đã có hơn 100.000 người phải cách ly.
 
Trang tin cũng nhận định sự thành công của Việt Nam còn nhờ vào những đóng góp trong hoạt động xét nghiệm với quy mô rất lớn. Trong tháng 4/2020, Việt Nam có 112 phòng thí nghiệm xét nghiệm được virus corona chủng mới SARS-CoV-2. Ở thời điểm tháng 1, chỉ có đúng 3 phòng thí nghiệm làm được điều đó.


 
Tờ Guardian của Anh cũng ghi nhận công tác chống dịch của Việt Nam, đồng thời cập nhật rất chi tiết về tình trạng của bệnh nhân người Anh. Bài viết nhận định thành công của chúng ta một phần nhờ vào chiến dịch kiểm soát, sàng lọc và cách ly kịp thời, cùng sự hưởng ứng chống dịch của người dân.
 
"Các bác sĩ Việt Nam tin tưởng rằng việc ghép phổi có thể giúp cứu sống bệnh nhân 91, để giúp đất nước duy trì vị thế là quốc gia không có ca tử vong nào tại Đông Nam Á." - tờ New York Times nhận định.

(Nguồn: NY Times, BBC, News.com.au, Reuters...)