Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank, UPCoM: VBB) ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 31% lên 403 tỷ đồng.

Các hoạt động ngoài lãi hầu hết đều tăng trưởng khá chỉ riêng mua bán chứng khoán đầu tư lao dốc 84% về vỏn vẹn hơn 3 tỷ đồng.

Thêm vào đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng giảm 21% về mức 40,5 tỷ đồng. Do đó cuối cùng VietBank lãi ròng gần 117 tỷ đồng trong quý 3/2022, gấp hơn 2 lần so cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng, nguồn thu chính của VietBank tăng trưởng mạnh 70% lên 1.336 tỷ đồng.

Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 32%, lên gần 82 tỷ đồng nhờ tăng thu từ hoạt động dịch vụ và ngân quỹ. Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng tăng mạnh 84% lên 63 tỷ đồng nhờ tăng thu từ kinh doanh ngoại hối và ngoại tệ giao ngay.

Lãi thuần từ hoạt động khác tăng 71%, thu được gần 198 tỷ đồng nhờ thu nhập từ đặt cọc chuyển nhượng bất động sản và thu hồi các khoản nợ đã được xử lý rủi ro.

Ngược lại, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư lại sụt giảm 84% về còn hơn 62 tỷ đồng.

Đặc biệt, kỳ này VietBank trích gần 209 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,7 lần cùng kỳ.

Dù vậy, VietBank vẫn lãi trước thuế 536 tỷ đồng, tăng 36% so cùng kỳ và nhưng chỉ mới thực hiện được 49% kế hoạch năm.

bao-cao-tai-chinh-quy-32022-no-xau-cua-vietbank-vot-len-433-1667113814.jpg
Nợ xấu của VietBank lên tới 4,33%

Tại thời điểm 30/9/2022, tổng tài sản của VietBank tăng 6% lên hơn 109.207 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm mạnh 53% về còn 2.188 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 14% lên mức 57.415 tỷ đồng; chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn giảm nhẹ về mức 26.298 tỷ đồng. Đây chủ yếu là khoản chứng khoán nợ do các TCTD khác trong nước phát hành (12.053 tỷ đồng).

Tiền gửi khách hàng cũng tăng 5% lên hơn 70.137 tỷ đồng. 

Về chất lượng nợ cho vay, tổng nợ xấu tính đến ngày 30/09/2022 tăng 35% so với đầu năm lên 2.486 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi, chiếm đến 1.841 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 3,65% đầu năm lên tới 4,33%./.