Một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 293-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

dd-5202-3496-1731456003.jpg
Các tổ chức Đảng ở Hà Tĩnh đang tập trung tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2024 - 2027 với khí thế mới, đảm bảo chất lượng, quy định.

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng (gọi tắt là Chỉ thị số 35-CT/TW); Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW, ngày 26/8/2024 của Ban Tổ chức Trung ương về hướng dẫn một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng (gọi tắt là Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW) và Kế hoạch số 293-KH/TU ngày 10/9/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị (gọi tắt là Kế hoạch số 293-KH/TU), Ban Thường vụ Tỉnh ủy hướng dẫn một số nội dung liên quan.

Theo đó, trong công tác triển khai, quán triệt và tuyên truyền: ban thường vụ cấp ủy các cấp lựa chọn hình thức tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt phù hợp với đặc điểm, tình hình, điều kiện và yêu cầu cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Về thành phần tham dự hội nghị: ở các Đảng bộ: Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh: thành phần tham dự hội nghị do ban thường vụ cấp ủy các đảng bộ quy định phù hợp với tình hình, đặc điểm và yêu cầu của cơ quan, đơn vị; ở cấp huyện gồm: cấp ủy viên, ủy viên ủy ban kiểm tra cấp ủy; chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân và chủ tịch, các phó chủ tịch ủy ban nhân dân; trưởng, phó các ban, phòng, ngành, mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và tương đương; bí thư, phó bí thư, chủ tịch hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân, chủ tịch ủy ban mặt trận Tổ quốc cấp xã; bí thư, phó bí thư các đảng bộ, chi bộ trực thuộc huyện; ở cấp xã gồm: cấp ủy viên, ủy viên ủy ban kiểm tra cấp ủy; chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân và chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân; trưởng, phó mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; bí thư, phó bí thư các chi bộ trực thuộc xã.

Đối với các đảng bộ, chi bộ cơ sở khác: do ban thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp hướng dẫn cụ thể.

Căn cứ vào tình hình, điều kiện và yêu cầu của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, ban thường vụ cấp ủy có thể mở rộng thêm thành phần tham dự hội nghị ngoài thành phần đã quy định nêu trên.

Về nội dung tuyên truyền, cấp ủy các cấp quán triệt đầy đủ, sâu sắc Chỉ thị số 35-CT/TW, Quy chế bầu cử trong Đảng, kế hoạch tổ chức đại hội của cấp trên và của cấp mình, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh và các văn bản liên quan theo quy định.

Cấp ủy các cấp tiếp tục tổ chức hội nghị quán triệt các nội dung nêu trên đến tận cán bộ, đảng viên, thời gian quán triệt không quá 1/2 ngày, hoàn thành trong tháng 11/2024.

Về thảo luận các dự thảo văn kiện trong nội bộ Đảng, đại hội các cấp phải dành thời gian thoả đáng, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, đề cao trách nhiệm của đại biểu; trong thảo luận cần hết sức cầu thị, lắng nghe, tôn trọng ý kiến lẫn nhau, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao, nhất là đối với những vấn đề mới, vấn đề khó, vấn đề còn có những ý kiến khác nhau.

Các tổ chức đảng (từ chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và chi bộ trực thuộc đảng ủy bộ phận đến cấp tỉnh) thảo luận đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện đại hội cấp mình, văn kiện đại hội cấp trên trực tiếp và văn kiện Đại hội XIV của Đảng: trên cơ sở thảo luận tại đại hội các chi bộ, tổng hợp ý kiến thảo luận báo cáo tại đại hội cấp cơ sở; sau đại hội cấp cơ sở, tổng hợp báo cáo tại đại hội cấp huyện và tương đương; sau đại hội cấp huyện và tương đương, tổng hợp báo cáo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Ban thường vụ cấp ủy, cấp ủy (nơi không có ban thường vụ) các cấp có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp như đã nêu trên và ý kiến thảo luận của đại hội đảng cấp dưới để đoàn chủ tịch đại hội trình đại hội cấp mình, thông qua những vấn đề đã được nhất trí, tập trung thảo luận những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, tổng hợp báo cáo đại hội cấp trên.

Về thành lập tiểu ban nhân sự, đối với các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc, cấp ủy quyết định thành lập tiểu ban nhân sự từ 3 - 5 thành viên (bảo đảm số lượng không quá 50% số lượng ủy viên ban thường vụ đương nhiệm), gồm: bí thư, các phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra. Đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng tiểu ban, đồng chí trưởng ban (phòng) tổ chức cán bộ làm thường trực tiểu ban.

Nhiệm vụ của tiểu ban nhân sự là tham mưu ban thường vụ cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đề án nhân sự và kế hoạch triển khai quy trình giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030; đề án nhân sự đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và kế hoạch phân bổ đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp mình. Tiểu ban nhân sự các đảng bộ cấp huyện tham mưu xây dựng phương án nhân sự lãnh đạo hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cùng cấp, nhiệm kỳ 2026 - 2031 trình ban thường vụ, ban chấp hành cấp ủy cùng cấp và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến trước khi trình đại hội đảng bộ cấp mình.

Đồng thời, tham mưu ban thường vụ cấp ủy quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, nguyên tắc, quy chế, kế hoạch làm việc của tiểu ban nhân sự và tổ giúp việc (nếu có); thực hiện một số nhiệm vụ liên quan khác do ban thường vụ cấp ủy giao.

Trong xây dựng đề án nhân sự, cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng đề án nhân sự nhiệm kỳ 2025 - 2030, tập trung vào một số nội dung chủ yếu gồm: tổng kết công tác nhân sự nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó tập trung đánh giá tình hình, bối cảnh; kết quả đạt được, ưu điểm, hạn chế; chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác nhân sự đại hội của đảng bộ. Cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo, chủ trương, định hướng của Đảng và các quy định, hướng dẫn của cấp trên để xác định rõ tình hình, bối cảnh, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đảng bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030 và định hướng những năm tiếp theo. Cụ thể hóa, xác định tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng cấp ủy để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện đối với những địa bàn, lĩnh vực quan trọng; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số theo quy định. Thực hiện hiệu quả phương châm: coi trọng chất lượng, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; không nhất thiết địa phương, ban, ngành nào cũng phải có người tham gia cấp ủy.

Tiến hành thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, phát huy trí tuệ tập thể và tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp. Trường hợp trong thảo luận nhân sự, nếu ý kiến của ban thường vụ cấp ủy khác với biểu quyết của cấp ủy thì ban thường vụ cấp ủy phải báo cáo, xin ý kiến của cấp ủy cấp trên theo thẩm quyền. Không sử dụng thông tin giả, thông tin không phải của cơ quan có thẩm quyền, thông tin không chính thức trên Internet, mạng xã hội, thông tin, dư luận xấu chưa được kiểm chứng để làm cơ sở xem xét trong quá trình chuẩn bị nhân sự đại hội.

Đối với đảng bộ cơ sở có ban thường vụ, thành lập tiểu ban nhân sự gồm các đồng chí ban thường vụ và đồng chí cán bộ phụ trách công tác tổ chức của đảng ủy (nếu thấy cần thiết). Đối với đảng bộ cơ sở không có ban thường vụ, thành lập tiểu ban nhân sự gồm các đồng chí bí thư, phó bí thư và đồng chí cán bộ phụ trách công tác tổ chức của đảng ủy (nếu thấy cần thiết). Đối với chi bộ cơ sở có cấp ủy, thành lập tiểu ban nhân sự gồm các đồng chí bí thư, phó bí thư, chi ủy viên. Đối với chi bộ cơ sở không có cấp ủy, thành lập tiểu ban nhân sự gồm các đồng chí bí thư, phó bí thư.

Văn bản cũng hướng dẫn một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự gồm: tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở.

Cùng đó là hướng dẫn về quy trình công tác nhân sự gồm: trình tự thực hiện quy trình nhân sự và số dư; xây dựng đề án nhân sự; thực hiện quy trình công tác nhân sự; công tác quy hoạch cán bộ; công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy; hồ sơ nhân sự cấp ủy.

Căn cứ Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương và hướng dẫn này, ban thường vụ các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt việc xây dựng hướng dẫn cụ thể thực hiện ở cấp mình và cấp cơ sở; kiểm tra công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy, thời gian tiến hành đại hội và phân công ủy viên ban thường vụ, cấp ủy viên theo dõi, chỉ đạo đại hội các đảng bộ, chi bộ trực thuộc.

Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chuẩn bị thật tốt đại hội đảng bộ các cấp, trong đó đặc biệt chú ý đối với đảng bộ mà trên địa bàn đang có tình hình phức tạp về an ninh, trật tự; nội bộ mất đoàn kết hoặc có vụ án, vụ việc bị điều tra, khởi tố, đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán liên quan đến cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị mà dư luận, đảng viên và Nhân dân quan tâm, ban thường vụ các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng kết luận, xử lý dứt điểm đối với cán bộ có sai phạm, khuyết điểm.

Ban thường vụ các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy) về công tác chuẩn bị nhân sự. Nội dung báo cáo phải làm rõ, phân tích kỹ: cơ cấu, địa bàn, lĩnh vực công tác; cơ cấu 3 độ tuổi, tỷ lệ đổi mới cấp ủy; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số theo quy định; nhân sự dự kiến giới thiệu tham gia cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030; dự kiến nhân sự lãnh đạo HĐND, UBND huyện, thành phố, thị xã nhiệm kỳ 2026 - 2031. Nếu các chức danh bí thư, phó bí thư cấp ủy được giới thiệu có số dư thì báo cáo cả danh sách có số dư để cấp ủy cấp trên xem xét, cho ý kiến.../.