Tham dự phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung  - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan.

a-1663312013.jpg
Quang cảnh phiên họp

Trên cơ sở đánh giá kết quả năm học 2021-2022, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến vào nhiệm vụ giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp năm học 2022-2023. Đây là năm học sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng các cấp 2020-2025; 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chú trọng thực hiện đồng bộ, thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp đột phá và chủ yếu, trong đó có 3 nhiệm vụ đột phá phát triển, 6 nhiệm vụ chủ yếu về giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên; 6 nhiệm vụ về giáo dục nghề nghiệp và 6 nhiệm vụ về giáo dục đại học.

Cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Giáo dục và Đào tạo xác định trong năm học mới, các đại biểu đề nghị ngành cần rà soát đánh giá lại các điểm trường lẻ; quản lý chặt chẽ hoạt động của các Trung tâm giáo dục kỹ năng sống, đào tạo tiếng Anh; quan tâm giải quyết chế độ chính sách cho giáo viên mầm non hợp đồng; đồng thời có đánh giá kết quả việc thực hiện thí điểm 14 trường chất lượng cao.

b-1663312050.jpg
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông lưu ý những vấn đề trong thực hiện xã hội hóa giáo dục
c-1663312057.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh trao đổi về cơ chế phân cấp quản lý đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cho cấp huyện

Câu chuyện về bộ máy, biên chế; tự chủ gắn với trách nhiệm; mua sắm và đấu thầu trang thiết bị của các trường học được các đại biểu tập trung cho ý kiến. Các đại biểu đề nghị Sở Nội vụ cần phải có văn bản hướng dẫn về việc tuyển giáo viên từ hợp đồng sang biên chế một cách thống nhất; đồng thời nghiên cứu chế độ phân cấp quản lý đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cấp huyện để dễ thực hiện và không để xảy ra tiêu cực.

d-1663312089.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung lưu ý về quá trình tổ chức thực hiện sáp nhập các trường học trên địa bàn

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, Bộ Chính trị cho giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Nghệ An được bổ sung 2.820 biên chế cho năm học tới, trong đó, bậc mầm non là 2.164 biên chế, tiểu học 498 biên chế, THCS 142 biên chế và THPT là 16 biên chế. Việc này, làm giảm bớt áp lực biên chế giáo dục nhất là giáo viên mầm non. Với số lượng trên 1.700 giáo viên mầm non hợp đồng chưa được chi trả chế độ do có các quy định thay đổi, trong điều kiện nguồn lực hạn chế, tỉnh rất “vất vả” trong việc bố trí kinh phí chi trả lương cho giáo viên hợp đồng. Vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non đã hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 05/01/2018 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV ngày 11/3/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ. UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương ưu tiên, bố trí nguồn lực để hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên này.

Trong vấn đề tuyển dụng biên chế giáo dục, quan điểm của tỉnh là ưu tiên các trường hợp hợp đồng lâu năm, đủ tiêu chuẩn.

Liên quan đến việc tổ chức sắp xếp trường học, thời gian qua, trong quá trình thực hiện vẫn phát sinh nhiều vấn đề nên đề nghị ngành GD&ĐT cần quan tâm thêm. Dẫn chứng về việc sáp nhập điểm trường tại huyện Thanh Chương, Anh Sơn trong thời gian vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền cơ sở cần sát thực tiễn hơn nữa, phải thông báo, tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, ủng hộ chủ trương sáp nhập trường.

Băn khoăn về khả năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp đối với lực lượng lao động được đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, bởi qua ý kiến của các doanh nghiệp cơ bản đội ngũ này khi tuyển dụng vào công ty đều phải đào tạo lại. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cần phải quan tâm, nâng cao chất lượng đào tạo nghề bởi đây là một trong những tiêu chí để thu hút đầu tư, trong khi Nghệ An luôn được xem là địa phương có nguồn lao động dồi dào. Việc tăng chỉ tiêu đào tại trường THPT chuyên Phan Bội Châu cần cân nhắc thêm về việc đầu tư và chế độ chính sách dành cho học sinh ngoại tỉnh; tập trung đầu tư giai đoạn 2 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.

e-1663312115.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kết luận

Phát biểu kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đánh giá cao sự chủ động linh hoạt của ngành GD&ĐT cũng như cấp ủy, chính quyền các cấp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp đã có nhiều giải pháp, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chủ động, linh hoạt để  hiện tốt nhiệm vụ năm học mới, trong đó có Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. “Để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, ngoài giáo trình còn có nội dung kỹ năng sống, kỹ năng hội nhập, tin học, ngoại ngữ... Tuy nhiên với đặc điểm vùng miền, điều kiện kinh tế, xã hội việc triển khai dạy và học theo chương trình mới có những hạn chế nhất định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, về đội ngũ giáo viên cũng như nhận thức của học sinh, phụ huynh. Bởi vậy đề nghị ngành GD&ĐT phải có những giải pháp phù hợp với thực tiễn, linh hoạt để mang lại hiệu quả thiết thực, ý nghĩa trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới của các trường học tại các vùng miền” – Bí thư Tỉnh ủy lưu ý.

Bên cạnh đó, cần thực hiện chính sách hỗ trợ miễn giảm học phí, đầu tư trang thiết bị. Đối với công tác xã hội hóa giáo dục, ngành GD&ĐT cần tham mưu UBND tỉnh có cơ chế thực hiện thống nhất.

Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị, ngành GD&ĐT cần đánh giá trong phạm vi của ngành về kết quả triển khai thí điểm của 14 trường chất lượng cao hàng năm để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai nếu có.

Đối với việc tuyển dụng, luân chuyển, điều động giáo viên, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu công tác kiểm tra thực hiện kế hoạch phải hết sức bài bản, phải tăng cường gắn trách nhiệm và tổ chức hậu kiểm. Đồng thời, phải có giải pháp để tuyển dụng đội ngũ giáo viên còn dôi dư; xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng, minh bạch để làm căn cứ tuyển dụng, tránh hình thành “cuộc chạy đua” tiêu cực trong việc tuyển dụng giáo viên.

Trong giáo dục nghề nghiệp, các nhà trường, cơ sở đào tạo cần liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, đồng thời mở thêm lớp đào tạo nghề ngắn hạn.

Trong sắp xếp mạng lưới trường học, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cần rà soát lại, nghiên cứu các phương án xây dựng mạng lưới trường học trước đây còn phù hợp hay không. Khi triển khai làm phải bài bản, không được hành chính hóa phải có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, không phó mặc cho nhà trường, phải thông báo công khai cho người dân, phụ huynh được biết tạo sự đồng thuận, mang lại điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường.

Cũng trong sáng nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua chủ trương đầu tư dự án nhà máy giày Ever Plus Nghệ An tại xã Long Thành và xã Tăng Thành, huyện Yên Thành. Dự án sản xuất, gia công các loại giày dép và nguyên phụ liệu giày dép các loại phục vụ xuất khẩu có công suất 06 triệu sản phẩm/năm; tổng mức đầu tư 690 tỷ đồng (tương đương với 30 triệu USD); xây dựng trên diện tích đất 14,5ha.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã đồng ý việc hỗ trợ kinh phí cho huyện Nghi Lộc để đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện./.