Tham gia đoàn khảo sát có các đồng chí lãnh đạo và thành viên Ban Dân tộc, Ban Kinh tế – ngân sách HĐND tỉnh; đồng chí Lưu Văn Hùng – Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện Quế Phong, đồng chí Bùi Văn Hiền – Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện và các đồng chí Trưởng, phó các phòng, ban liên quan.
Làm việc tại UBND xã Tiền Phong và UBND xã Hạnh Dịch, đoàn khảo sát đã nghe báo cáo của UBND xã về kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án; trao đổi trực tiếp với một số hộ dân thuộc diện thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nguyên nhân, thực trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, về cách thức triển khai thực hiện, định mức hỗ trợ và hiệu quả dự án mang lại.
Trong năm 2023, xã Tiền Phong có 2.032/2.345 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 288 hộ thiếu đất ở, 471 hộ thiếu đất sản xuất, 205 hộ thiếu nhà ở hoặc nhà ở dột nát đã đăng ký hỗ trợ, trong đó đã xây dựng mới và lắp ghép hoàn thiện 159 hộ. Xã Hạnh Dịch có 817/825 hộ đồng bào dân tộc thiểu số; năm 2023, có 10 hộ đăng ký hỗ trợ đất ở, 71 hộ đăng ký hỗ trợ đất sản xuất, 264 hộ đăng ký hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, các nội dung hỗ trợ đang trong quá trình thực hiện, chưa có kết quả.
- Dịch vụ thuê giường ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An là một điển hình cần phải dẹp bỏ sớm
- Nghệ An: Triển khai từ 2010, đến nay còn 28.050,1m2 đất ở Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trường Sơn chưa xây dựng
- Huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An): Dù đã có quyết định xử phạt nhưng Trang trại chăn nuôi bò ‘biến tướng’ thành xưởng băm dăm trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động
Theo thống kê sơ bộ, huyện Quế Phong hiện có 648 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở và 1. 567 hộ thiếu đất sản xuất. Trong năm 2022 và 2023, tổng nguồn ngân sách Trung ương bố trí trên 24 tỷ đồng để thực hiện dự án. Kết quả thực hiện dự án đến nay: đang hoàn chỉnh hồ sơ phê duyệt hỗ trợ đất ở cho 10 hộ, theo định mức 40 triệu đồng/hộ; hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 26 hộ, đang xây dựng 67 nhà ở, chuẩn bị khởi công xây dựng 02 nhà ở cho các đối tượng thụ hưởng chính sách; đang rà soát lại đối tượng chưa có hoặc thiếu đất sản xuất theo định mức có nhu cầu chuyển đổi nghề để thực hiện hỗ trợ theo quy định; đang thi công xây dựng 03 công trình nước sinh hoạt tập trung với tổng kinh phí 7.300 triệu đồng; cấp 106/162 bồn nước cho 106 hộ thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán từ nguồn kinh phí năm 2022,…
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện dự án tại các xã và trên địa bàn huyện vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: việc thông tin, tuyên truyền dự án tới người dân đạt hiệu quả chưa cao; việc rà soát đối tượng hỗ trợ của một số đơn vị, địa phương còn nhiều lúng túng, kết quả thiếu chính xác, phải rà soát lại nhiều lần; quỹ đất để thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất còn ít, khó đáp ứng nhu cầu đăng ký hỗ trợ từ các hộ dân,...
Các thành viên Đoàn khảo sát đề nghị các xã hoàn thiện báo cáo, rà soát lại chính xác số liệu các hộ thiếu đất ở, nhà ở, thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt. Rà soát, thống kê quỹ đất để thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án và những kiến nghị đề xuất liên quan.
Kết luận tại các buổi làm việc, đồng chí Lô Thị Kim Ngân - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, thay mặt Đoàn khảo sát đề nghị lãnh đạo các xã quan tâm quán triệt phổ biến về các nội dung dự án; tăng cường tuyên truyền Nhân dân bảo vệ quỹ đất, rừng; đề nghị UBND các cấp thực hiện rà soát, tổng hợp số liệu từ các chương trình khác nhau đang triển khai trên địa bàn liên quan đến 4 nội dung hỗ trợ: đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; nhu cầu và phương án giải quyết trong thời gian tới để bổ sung hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn khảo sát trước ngày 09/11/2023; đồng thời làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, từ đó kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thực hiện hoàn thành các nội dung dự án theo kế hoạch.