Qua phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, đến nay sau một thời gian triển khai Đề án (Đ.A), bên cạnh các hạng mục đã và đang thực hiện thì người dân rất bức xúc trước cách tổ chức, quá trình triển khai ở việc tổ chức dạy tiếng Ơ Đu và tập huấn kỹ thuật về nuôi, trồng, phòng, chống chữa bệnh cho gia súc, gia cầm và cây cối cho đồng bào.
Từ “động lực” sinh kế đồng bào Ơ Đu
Tại Đ.A “Hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) dân tộc Ơ Đu ở tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025”, ở mục “Dân số, phân bổ dân cư và điều kiện tự nhiên” có ghi: “Trước đây, người Ơ Đu cư trú tập trung đông nhất ở 2 bản Kim Hòa (26 hộ, 130 khẩu), bản Xốp Pột (22 hộ, 231 khẩu). Từ năm 2004, kết hợp với chính sách di dời dân ra khỏi vùng lòng hồ thủy điện bản Vẽ, đến nay đã có 94 hộ, 456 khẩu về sinh sống tập trung tại điểm tái định cư bản Văng Môn, xã Nga My”. Ngoài ra, sống xen kẽ với người dân tộc Thái, Khơ mú ở các xã của huyện Tương Dương và huyện Thanh Chương.
Đ.A hỗ trợ phát triển KT-XH dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An được thực hiện tại huyện Tương Dương sau khi ban hành đã gây được sự quan tâm không chỉ đối với địa phương, đối tượng thụ hưởng mà còn là chính sách lớn của tỉnh Nghệ An được dư luận quan tâm và kỳ vọng vào sự bứt phá, một cuộc cách mạng mới đối với đồng bào các dân tộc ít người sinh sống ở vùng biên cương của tỉnh.
Ngay khi các văn bản liên quan của UBND tỉnh Nghệ An về việc đưa bản Đửa xã Lượng Minh ra khỏi Đ.A, còn lại bản Văng Môn, xã Nga My là địa bàn duy nhất nằm trong các quyết định, các chính sách thụ hưởng theo Quyết định 2086/2016 của Chính phủ cũng như Quyết định 3829/2017 phê duyệt của UBND tỉnh.
Trên cơ sở quyết định giải quyết kinh phí của UBND tỉnh, ngày 9/1/2019, Sở Tài chính Nghệ An đã có quyết định về việc giao bổ sung dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2018 cho Ban Dân tộc tỉnh số tiền 18,812 tỷ đồng từ nguồn kinh phí bổ sung có mục tiêu năm 2018 từ ngân sách Trung ương cho ngân sách tỉnh. Quyết định nêu rõ, căn cứ dự toán chi ngân sách được bổ sung, giao thủ trưởng đơn vị (Ban Dân tộc tỉnh) tổ chức thực hiện theo đúng chế độ, mục đích được duyệt và đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Theo đó, nguồn kinh phí không thực hiện tự chủ vào nội dung Hỗ trợ kinh phí thực hiện Đ.A hỗ trợ phát triển KT-XH các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 theo Quyết định 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ là 18,812 tỷ đồng.
Tiếp đến, ngày 1/7/2019, UBND tỉnh có Quyết định 2618 về việc phân khai kinh phí thực hiện các hạng mục hỗ trợ phát triển KT-XH dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An năm 2019 gồm: Hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ bảo tồn, phát huy gí trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào với kinh phí trên 28 tỷ đồng.
Vượt chặng đường gần 60 cây số từ thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương chúng tôi có mặt tại xã Nga My. Con đường bê tông kiên cố trải dài dọc bản làng của gần 100 hộ dân đồng bào Ơ Đu sau 15 năm xa bản quán nhường nơi “chôn rau cắn rốn” vùng lòng hồ thủy điện ở xã Kim Đa để về nơi ở mới đã có nhiều đổi thay. Những nếp nhà khá kiên cố bám hai bên đường được xem là đặc trưng của đồng bào nơi khu tái định cư bản Văng Môn.
Khuôn viên nhà ông Lương Văn Thái (SN 1968) nằm ở giữa trung tâm bản nay trông khác hơn, bởi bên cạnh ngôi nhà được dựng lên từ nhiều năm nay, gia đình ông vừa được đầu tư xây dựng 2 gian chuồng bò cùng 2 con bò sinh trưởng từ chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc Ơ Đu.
“Sinh sống cùng nhau 2 thế hệ, cũng như nhiều hộ dân khác ở bản Văng Môn này là thiếu tư liệu sản xuất, ruộng nước thì ít, đồng đất hẹp, cằn cỗi nên việc chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế gặp khó khăn. Vừa rồi, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho bà con Ơ Đu ở xã nên gia đình cũng vui. Ngoài việc được cấp bò giống, khai hoang đất trồng cỏ chăn nuôi thì dân ở đây còn được đào giếng khơi sử dụng nguồn nước sinh hoạt, được cấp máy cày, máy cắt cỏ, hỗ trợ phân bón, cây con giống. Dân bản còn được cho đi học tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình, được tập huấn về khoa học, kỹ thuật chăn nuôi” - ông Thái phấn khởi.
Với chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng cao, biên giới thì không chỉ hộ ông Lương Văn Thái mà người dân nơi đây từ nay đã có điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế thông qua những hạng mục hỗ trợ cụ thể. Đây chính là sinh kế bền vững nhất đối với họ mà trong nhiều năm qua chưa được thụ hưởng.
Đến thực hiện “sai đối tượng, sai mục đích”
Trên cơ sở quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2019 của Bộ Tài chính, Quyết định giải quyết kinh phí của UBND tỉnh Nghệ An và đề xuất định mức kinh phí thực hiện các hạng mục hỗ trợ theo Đ.A, thẩm định của Sở Tài chính, ngày 5/11/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định 4553/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu công trình Hỗ trợ phát triển KT-XH dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An năm 2019.
Theo đó, tỉnh đã phê duyệt danh mục dự toán năm 2019 với kinh phí 9.673.172.000 đồng cho các nội dung về: mua sắm, lắp đặt, nghiệm thu, bàn gaiao mua bàn ghế hội trường, loa phóng thanh phục vụ thiết chế văn hóa, thông tin công cộng; tổ chức dạy tiếng Ơ Đu; chi phí phục vụ hỗ trợ mua giống bò, cỏ, ngô, phân bón và các vật tư thiết yếu phục vụ trồng trọt, chăn nuôi; khôi phục trang phục truyền thống, lễ hội và duy trì đội văn nghệ dân tộc Ơ Đu; hỗ trợ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, thú y làm việc tại bản (với tổng giá trị 2.785.510.000 đồng) và phần thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu gồm: hỗ trợ con giống mua bò giống bò vàng địa phương; hỗ trợ giống cỏ, giống ngô, phân bón, vật tư thiết yếu phục vụ trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ các thiết chế văn hóa, phương tiện thông tin công cộng (với tổng giá trị 6.881.112.000 đồng).
Ông Nguyễn Tâm Long - Phó Trưởng phòng phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, thừa nhận những thiếu sót trong tham mưu, lập Đ.A. Ảnh: CTV Xuân Thống
Sau khi có nguồn vốn được cấp, với nhiệm vụ là chủ đầu tư quản lý Đ.A, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp các sở, ngành và huyện Tương Dương phân công các tổ công tác, cán bộ phụ trách có mặt tại địa bàn nơi hưởng thụ dự án để tiến hành thực hiện.
Tuy nhiên, qua phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, đến nay sau một thời gian triển khai, bên cạnh các hạng mục đã và đang thực hiện như: xây dựng chuồng bò, cấp bò giống, máy cày, máy cắt cỏ, bồn nước, giếng nước cùng các phương tiện công cộng và khôi phục truyền thống văn hóa, lễ hội, thì người dân rất bức xúc trước cách tổ chức, quá trình triển khai ở việc tổ chức dạy tiếng Ơ Đu và tập huấn kỹ thuật về nuôi, trồng, phòng, chống chữa bệnh cho gia súc, gia cầm và cây cối cho đồng bào.
Bà Mạc Thị Tím (43 tuổi), nguyên Bí thư Chi bộ bản Văng Môn, xã Nga My cho biết: Thời điểm phê duyệt và giai đoạn đầu triển khai Đ.A bà đang là Trưởng bản ở đây. Qua tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của người dân, nhất là những người cao tuổi, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, qua các kênh khác nhau họ phản ánh nhiều về quá trình thực hiện các chương trình, nội dung. Trong số các phán ánh, tập trung nhiều về vấn đề tính công khai, minh bạch trong việc tập huấn, học tiếng cho đồng bào Ơ Đu.
Theo bà Tím, bà con không được thông báo khi đi học, không biết thời gian học và kinh phí hỗ trợ cho mỗi buổi học được cấp là bao nhiêu. Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong công tác quản lý dân cư, quản lý địa bàn và tổ chức các hoạt động phong trào được triển khai tại bản, bà Tím tỏ rõ sự nghi ngờ về sự khách quan trong quá trình tổ chức lớp học. Bởi chính bà là thành viên giám sát, các nội dung thực hiện tại bản đều được bà ghi chép, nhật ký lớp học, nội dung học và số người thực tế tham gia nhưng dự toán chi tiết được phê duyệt thì hoàn không được biết, được nắm.
Đơn cử như tại lớp tuyên truyền, tập huấn kiến thức chăn nuôi, trồng trọt cho đối tượng trong độ tuổi lao động được tổ chức vào 14/11/2019 có 119 người tham gia, qua 3 ngày học (2 ngày học trên lớp ở nhà văn hóa bản và 1 ngày thực hành) mỗi học viên được nhận 600.000 đồng (100.000 đồng/người/buổi). Người nào không tham gia học đủ, học được buổi nào thì thực nhận được với số tiền định mức trên. Ngoài ra, tại lớp học tiếng Ơ Đu thì đối tượng học bao gồm cả học sinh và người lớn nhưng số trẻ em của bản được tham gia lớp học không được thanh toán hỗ trợ. Điều đáng chú ý là các giấy tờ, chứng từ sau khi hoàn thành lớp học bản thân các đối tượng tham gia không được ký, chỉ được nhận số tiền (theo lớp học), kể cả khi nghiệm thu, chứng từ quyết toán. Tuy nhiên, sau này khi thông tin đến được với người dân là toàn bộ kinh phí cho lớp học cao hơn nhiều lần số tiền người dân thực hiện thì người dân bất ngờ và rất bức xúc. Theo bà Tím, qua danh sách quyết toán kinh phí mà bản Văng Môn có được là số tiền cho lớp tập huấn cấp cho mỗi học viên là 2.000.000 đồng/đợt/20 ngày.
Đem theo những phản ánh này trao đổi với Ban Dân tộc tỉnh, ông Kim Văn Bốn, cán bộ Phòng Chính sách dân tộc, là người được giao trực tiếp quản lý lớp học cho biết: Sau khi UBND tỉnh phê duyệt dự toán kinh phí thực hiện, cán bộ của Phòng đã trực tiếp phối hợp với xã và bản thống nhất cách thức tổ chức lớp tập huấn là ghép lại 2 lớp tập huấn (mỗi lớp 3 ngày), tổng 6 ngày. Mỗi lớp mức hỗ trợ là 100.000 đồng/ngày, tiền được phát vào ngày kết thúc đợt học. Còn đối với lớp học tiếng Ơ Đu thời gian 20 ngày theo dự toán nhưng thực tế chỉ học cả ngày cả đêm là 15 ngày, thời gian còn lại 5 ngày là dành cho lớp tham quan mô hình và du lịch tại thị xã Cửa Lò. Tuy nhiên thực tế việc dành thời gian đi tham quan mô hình và du lịch là không diễn ra.
Khi phóng viên hỏi, việc cán bộ phụ trách lớp học tự thay đổi thời gian học và số tiền học viên thực nhận chênh lệch so với dự toán được duyệt, ông Kim Văn Bốn đã thừa nhận trước sự chứng kiến của lãnh đạo Phòng Chính sách dân tộc là “quá trình làm có sự vận dụng nội dung chi mà không có trong dự toán cấp trên thẩm định, phê duyệt. Bản thân thấy làm như vậy là chưa phù hợp”.