Với kỳ vọng xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững, tiến tới giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc trong vùng, nhưng quá trình thực hiện Đề án (Đ.A) hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) dân tộc Ơ Đu trên địa bàn huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã bộc lộ những bất cập và dấu hiệu của các sai phạm.
 
Đề án cần thiết
 
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chính sách, chương trình, dự án đã được triển khai ở vùng dân tộc và miền núi. Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc đã có nhiều chuyển biến đáng kể, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, thực tế tại các vùng quê nơi có dồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó là các dân tộc ít người (có số dân dưới 10.000 người) tại các vùng sâu, vùng núi cao, do những yếu tố có tính chất lịch sử và điều kiện tự nhiên, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, quá trình tồn tại và phát triển của đồng bào đã nảy sinh các vấn đề xã hội như hủ tục lac hậu, suy thoái giống nòi, tiếng nói và văn hóa truyền thống bị mai một.
 
Trên địa bàn Nghệ An, cùng với cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống đoàn kết gắn bó trong nhiều thế hệ thì dân tộc Ơ Đu đang sinh sống tại huyện Tương Dương là 1 trong 5 dân tộc thiểu số, đồng thời là 1 trong 5 dân tộc ít người ở Việt Nam có số dân dưới 1.000 người.
 
Tính đến 31/12/2015, toàn tỉnh có 179 hộ, 856 khẩu là người dân tộc Ơ Đu, chiếm 0,18% dân số dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Dân số của tộc người Ơ Đu những năm gần đây tuy không giảm về số lượng nhưng vấn đề suy thoái giống nòi, chất lượng dân số thấp do cuộc sống “khép kín”, tập quán lạc hậu, ăn ở không hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ nghèo cao, suy dinh dưỡng ở trẻ em… làm tuổi thọ trung bình thấp hơn nhiều so với các dân tộc khác trên địa bàn.

Bên cạnh đó, ngôn ngữ, trang phục, tập quán truyền thống bị mai một, bị đồng hóa không còn bản sắc riêng mà được thay thế bởi tiếng nói, văn hóa của các dân tộc có số lượng dân số lớn hơn trên cùng địa bàn; rồi những tác động của văn hóa ngoại lai xâm nhập dẫn đến nguy cơ đồng bào bị lôi kéo theo các tổ chức tôn giáo trái pháp luật. Quần cư trên địa bàn rộng lớn, ở vùng biên giới là khu vực trọng yếu có vai trò quan trọng giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia và đối ngoại, từ thực trạng đời sống KT-XH của đồng bào Ơ Đu, với mục tiêu xây dựng các giải pháp tiếp tục hỗ trợ một số chính sách ưu tiên mang tính đột phá để tạo điều kiện và cơ hội cho đồng bào phát triển ngang bằng với các dân tộc khác trong vùng, nhằm nâng cao một bước chất lượng giống nòi, do đó, chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH cho dân tộc Ơ Đu là hết sức quan trọng, cần thiết.
 
Với Quyết định 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đ.A hỗ trợ phát triển KT-XH các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, ngày 22/8/2017, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định 3829 phê duyệt Đ.A hỗ trợ phát triển KT-XH dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An (gọi tắt Đ.A hỗ trợ Ơ Đu), giai đoạn 2016 - 2025. Theo quyết định này, Đ.A hỗ trợ Ơ Đu được thực hiện tại 2 bản là Văng Môn (xã Nga My) và bản Đửa (xã Lượng Minh), huyện Tương Dương. 
 
Niềm vui tày gang
 
Theo Quyết định 3829, Đ.A hỗ trợ Ơ Đu thực hiện trong 10 năm (2016 - 2025) chia làm 2 giai đoạn: từ 2016 - 2020 và từ 2021 - 2025 với tổng kinh phí 120 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương hỗ trợ 108 tỷ đồng; lồng ghép từ các chính sách, chương trình khác và ngân sách địa phương cân đối 12 tỷ đồng. Cũng theo nội dung quyết định này, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An là chủ đầu tư quản lý thực hiện Đ.A, phối hợp với các sở, ngành và UBND huyện Tương Dương chỉ đạo, triển khai thực hiện.
 
Theo khảo sát và Đ.A được duyệt, 2 bản gồm: bản Văng Môn, xã Nga My có 94 hộ, 456 khẩu; bản Đửa, xã Lượng Minh có 45 hộ, 231 khẩu. Đ.A thực hiện được chia ra 5 nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để hỗ trợ phát triển, bao gồm: Đầu tư xây dựng và hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào; đào tạo, sử dụng cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và các chính sách hỗ trợ về giáo dục và y tế.
 
Đ.A hỗ trợ Ơ Đu được ban hành và triển khai đi vào cuộc sông như một luồng sinh khi mới mang đến cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh, nhất là với người Ơ Đu ở huyện Tương Dương. Tuy nhiên, ra đời trong bối cảnh nguồn ngân sách khó khăn, giai đoạn 2016 - 2018, do nguồn kinh phí chưa được phân bổ nên thực tế Đ.A chưa thể triển khai theo phê duyệt.
 
Sau gần 2 năm Đ.A có hiệu lực, đến ngày 23/4/2019, UBND tỉnh Nghệ An mới ra Quyết định số 1303/QĐ-UBND.VX về việc phê duyệt chủ trương hỗ trợ phát triển KT-XH dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An năm 2019 với tổng mức kinh phí là 28.181 triệu đồng để thực hiện các hạng mục: hỗ trợ phát triển sản xuất và hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào.
 
Điều tréo nghoe, chỉ sau 5 tháng chủ trương phê duyệt được ban hành, Ban Dân tộc tỉnh - đơn vị chủ đầu tư Đ.A đã phát văn bản bằng Công văn 577 ngày 26/9/2019 gửi UBND tỉnh đề nghị đưa bản Đửa xã Lượng Minh là một trong 2 đơn vị thụ hưởng ra khỏi diện hỗ trợ Đ.A của Chính phủ. Rất nhanh chóng, chỉ trong thời gian ngắn, ngày 30/9/2019, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 3869/QĐ-UBND đồng ý việc đưa bản Đửa ra khỏi danh sách thôn bản được hỗ trợ phát triển KT-XH mà Đ.A trước đó đã phê duyệt. Lý do mà ông Lương Thanh Hải - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, đại diện chủ đầu tư đưa ra là “năm 2018 họ đã phối hợp với các sở, ngành và huyện Tương Dương khảo sát, xác định lại thực trạng KT-XH của dân tộc Ơ Đu trên địa phương này với kết quả: Không có dân tộc Ơ Đu sinh sống”.

 
Ông Vi Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh khẳng định trên địa bàn xã không có dân tộc Ơ Đu khi Đ.A được phê duyệt. Ảnh: CTV Xuân Thống  
 
Trước sự việc được xem là “vô tiền khoáng hậu”, với những bất thường trên, làm việc với Ban Dân tộc, người được giao nhiệm vụ, ông Nguyễn Tâm Long - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Chính sách dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết: “Năm 2015, ông Vy Mỹ Sơn - Trưởng phòng Chính sách (nay làm Phó Trưởng ban) được điều động, bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương. Phòng Chính sách dân tộc cùng với UBND huyện Tương Dương đã có báo cáo về tình hình đồng bào Ơ Đu trên địa bàn, sau đó tham mưu Ban xây dựng Đ.A phát triển KT-XH đồng bào Ơ Đu. Thời điểm này chưa có Quyết định 2086 của Chính phủ. Lãnh đạo phòng lúc bấy giờ được Ban Ban Dân tộc giao xây dựng Đ.A sau đó tham mưu đưa ra lấy ý kiến các sở, ban, ngành. Cơ sở để đưa danh sách 231 người Ơ Đu ở bản Đửa vào Đ.A là dựa trên số liệu báo cáo của huyện. Trong niên giám thống kê các năm 2013 - 2015 của Tổng cục Thống kê cũng đều thể hiện là ở huyện Tương Dương có người dân tộc Ơ Đu sinh sống ở bản Đửa. Sau đó, tôi về phụ trách và hoàn thiện Đ.A trình sang UBND tỉnh và được Chính phủ phê duyệt vào năm 2016".
 
Đ.A được duyệt từ 2017 nhưng đến cuối 2018, tại Quyết định 1488 của Bộ Tài chính cấp nguồn vốn cho Đ.A, từ đó Ban Dân tộc tỉnh tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn khảo sát thực tế tại 2 bản thuộc 2 xã trên. Qua 2 lần tiến hành khảo sát từng hộ và đánh giá thực trạng tình hình thì tại bản Đửa xã Lượng Minh không có hộ đồng bào dân tộc Ơ Đu sinh sống, do đó, Ban đã tham mưu lại cho UBND tỉnh rút bản Đửa ra khỏi Đ.A.
 
“Việc người Ơ Đu không còn sinh sống ở bản Đửa và vẫn được thống kê trong niên giám trước đó, có thể 2 khả năng đó là. Thứ nhất là họ chuyển đến một nơi khác sinh sống; thứ 2 người đồng bào Ơ Đu thường tự ti, mặc cảm khi giao tiếp, tiếp xúc bên ngoài về thành phần dân tộc nên có thể sau này khi khai báo họ đã chuyển đổi sang thành phần dân tộc khác?”, ông Long nhận định.
 
Tại trụ sở UBND xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, khi PV đưa vấn đề trên trao đổi, ông Vi Đình Phúc - Chủ tich UBND xã khẳng định: Xã rất bất ngờ với thông tin này. Trước khi làm Chủ tịch UBND xã, tôi đã đảm nhận nhiều vị trí tại xã này và từng là Bí thư Đảng ủy xã khóa trước. Chính quyền địa phương không hề nhận được thông tin về Đ.A và quyết định phê duyệt của cấp trên. Trên địa bàn xã không hề có người Ơ Đu mà chỉ là người Thái và Khơ mú sinh sống. Chỉ có một vài trường hợp con cháu đến làm dâu, làm rể là người Ơ Đu nhưng mất gốc đã lâu!