Sở Y tế Hải Phòng xác nhận, nếu những phản ánh của Báo Giao thông là đúng thì đây là sai phạm cần được xử lý nghiêm khắc.
Chỉ hỏi, không khám
Chiều 7/7, trong vai một người đi khám sức khỏe để bổ sung vào hồ sơ xin việc làm, PV Báo Giao thông có mặt tại cổng Bệnh viện Đa khoa Hồng Bàng trên phố Kỳ Đồng, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng và chốt giá 170.000 đồng/giấy khám sức khỏe (loại giấy dùng để đi xin việc) với một người đàn ông làm nghề xe ôm.
Người xe ôm bảo một nam thanh niên khác dẫn PV đến Bệnh viện Hồng Phúc cách đó vài trăm mét, ở phố Hồ Xuân Hương, phường Minh Khai, quận Hồng Bàng để khám.
Nam thanh niên này thu của PV 170.000 đồng và dẫn PV vào quầy đăng ký trên tầng 3 của bệnh viện. Tại đây, một nữ nhân viên đưa cho PV tờ giấy khám sức khỏe rồi yêu cầu điền các thông tin cá nhân như: Tên tuổi, địa chỉ, số CMND…
PV cho biết mình quên thẻ căn cước ở nhà thì nữ nhân viên này cho biết: “Không sao, về bổ sung sau cũng được”.
PV nhanh chóng vào khám sức khỏe, việc khám thể lực được thực hiện ngay tại khu vực sảnh của tầng 3. PV tự cân đo và đọc kết quả cho một bác sĩ nữ điền vào giấy khám. Và dù chưa đo huyết áp, nhịp tim nhưng vị nữ bác sĩ vẫn ghi “110/70mmHg” và kết luận thể lực loại 2.
Tại phòng khám Ngoại khoa, da liễu, nữ bác sĩ khác hỏi: “Có mổ gì không?”. PV trả lời: “Trước đây có mổ ruột thừa”. Bác sĩ hỏi tiếp “Lâu chưa? Mổ nội soi hay ngoại?”. PV đáp “Mổ phanh”. Bác sĩ hỏi có ghi thông tin không, PV không nói gì, bác sỹ mở đường: “Sau này không được khai là cháu mổ ruột thừa nhé”, rồi tay viết kết luận luôn cho PV ngoại khoa loại 1, da liễu loại 1 mà không kiểm tra hay thăm khám gì thêm.
PV bước sang khám Tai - Mũi - Họng, vị bác sĩ nam hỏi nhanh: “Tai mũi họng có vấn đề gì không? Có bị ù tai, ngạt mũi không?”, PV trả lời “Không” và cũng không cần thăm khám, vị bác sĩ kết luận luôn loại 1.
Tại phòng khám Răng - Hàm - Mặt, nữ bác sĩ đang bận nhổ răng cho một bệnh nhân nên gọi với nhờ một bác sĩ ở phòng khám Mắt bên cạnh hỏi hộ: “Răng có bị sâu hoặc mất cái nào không?”. PV vừa trả lời “Không” thì vị bác sĩ này cũng đã ký tên và kết luận loại 1 “giúp” nữ bác sĩ Răng - Hàm - Mặt, đồng thời kéo PV qua phòng khám Mắt, chỉ vài dòng trên bảng, kết luận luôn thị lực không kính 10/10, loại 1 (?!)
Cuối cùng là phòng khám Nội khoa, bác sĩ nữ cũng nhanh chóng chỉ hỏi một câu duy nhất: “Có bị bệnh gì không?” rồi ký tên, kết luận sức khỏe loại 2 và đóng dấu “Đủ sức khỏe học tập và công tác”...
Sau khi đã vào các phòng khám theo quy trình, PV mang giấy khám sức khỏe ra quầy đăng ký và được nữ nhân viên ở đây đóng dấu đỏ của bệnh viện. Thế là kết thúc toàn bộ quy trình thăm khám qua 7 phòng chỉ trong thời gian chưa đầy 10 phút. Nói là thăm khám nhưng từ đầu đến cuối đa phần là… thăm hỏi rồi kết luận.
Khi xuống cầu thang bệnh viện, nam thanh niên dắt PV vào lúc nãy bám theo và thu thêm 30.000 đồng “tiền công dẫn đi khám”.
PV hỏi người này, tại sao khám nhanh vậy trong khi đi các bệnh viện khác phải mất hàng tiếng đồng hồ mà giá lại cao hơn, người này cho biết: “Đó là nghề của bọn anh, làm chuyên nghiệp rồi nó phải khác. Sau này cần cứ ra chỗ bọn anh, chỉ vài phút là xong, giá lại siêu rẻ”.
Hoạt động tinh vi nên “khó nắm bắt”?
Trao đổi với Báo Giao thông, một cán bộ Sở Y tế Hải Phòng thừa nhận, đơn vị đã tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp sai phạm trong công tác quản lý khám sức khỏe, khám sức khỏe người lái xe.
Tuy nhiên, các đơn vị khám sức khỏe, khám sức khỏe lái xe hoạt động hết sức tinh vi. Khi được kiểm tra thì họ trưng ra hồ sơ rất đẹp nhưng trên thực tế họ tổ chức thực hiện việc khám sức khỏe như thế nào thì khó có thể nắm bắt được.
Theo vị này, gần nhất là ngày 11/5, Sở Y tế ban bành văn bản số 1935 rà soát hồ sơ thực hiện quy trình và chế độ báo cáo trong khám sức khỏe, khám sức khỏe người lái xe.
Trong đó, rà soát toàn bộ các điều kiện của cơ sở khám, chữa bệnh được phép thực hiện khám sức khỏe; thực hiện nghiêm quy định thủ tục nội dung khám sức khỏe và khám sức khỏe cho người lái xe. Đặc biệt khám cận lâm sàng phải thực hiện bắt buộc các xét nghiệm ma túy. Các test được sử dụng phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo đủ tiêu chuẩn lưu hành và được mua sắm theo đúng quy định pháp luật.
“Sở Y tế quản lý trên lĩnh vực chuyên môn, nếu phát hiện sai phạm thì chỉ có thể yêu cầu tạm dừng, thu hồi giấy phép, xử lý vi phạm hành chính, còn chuyện mua bán giấy khám sức khỏe hay các hành vi vi phạm pháp luật, Sở Y tế rất mong cơ quan Công an phối hợp xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”, vị này cho biết.
Liên quan đến việc Phòng khám đa khoa Thái Sơn làm giấy khám sức khỏe “siêu tốc”, PV Báo Giao thông đã liên lạc với phòng khám nhưng không được, số điện thoại của phòng khám cũng không có người nhấc máy.
Theo nguồn thông tin của Báo Giao thông, Sở Y tế Hải Phòng đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác khám sức khỏe đối với Phòng khám đa khoa Thái Sơn. Kết quả kiểm tra cho thấy, phạm vi hoạt động chuyên môn của Phòng khám đa khoa Thái Sơn không có chuyên khoa da liễu; phòng khám không có bác sỹ chuyên khoa da liễu. Do đó, Sở Y tế Hải Phòng đã ban hành thông báo Phòng khám đa khoa Thái Sơn không đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe theo quy định tại Thông tư 14 ngày 6/5/2013 của Bộ Y tế.