BS Huỳnh Bá Tản - Trung tâm cấp cứu 115, TP.HCM cho biết, thủ phạm gây ngộ độc là khí CO (Oxit Carbon) 5-10%. Hít phải khí này, CO kết hợp với hồng cầu trong máu, giữ chặt huyết sắc tố khiến hồng cầu mất đi chức năng dẫn oxy tới các cơ quan cơ thể, gây tình trạng ngạt khí.

Trang bị kỹ năng sơ cứu

Bác sĩ Tản khuyên mọi người cần tự trang bị kỹ năng sơ cứu các trường hợp ngộ độc khí. Ví dụ, ngay khi phát hiện người bị ngạt khí gas dưới miệng hố, việc phải làm ngay là gọi điện 114 báo Đội cứu hộ cứu nạn và phòng cháy chữa cháy, gọi điện 115 báo Đội cấp cứu ngoại viện đến ngay hiện trường. Sau đó soi đèn, thả dây thừng hoặc kéo dây thừng đã được cột vào đai lưng, đưa người bị nạn lên khỏi hố gas.

Bạn tuyệt đối không tự ý nhảy xuống hố gas đang có người bị ngạt thở mà chưa được đeo mặt nạ chống hơi độc. Bạn cũng cần kèm dây đai lưng an toàn để người khác sẵn sàng kéo mình lên khỏi hố gas nếu chẳng may bị ngạt khí hay gặp nguy hiểm.

Sau khi đưa được nạn nhân lên khỏi hố gas ra nơi thông thoáng, cần sơ cấp cứu hồi sức tích cực ngay tại nơi hiện trường để kịp thời gian vàng cứu sống não của nạn nhân.

vvvv-1658228629.jpg

Các bước sơ cứu

Thứ nhất, bạn cần khai thông đường thở bằng cách móc sạch đờm nhớt trong mũi họng nếu có, làm nghiệm pháp ngửa đầu nâng cằm để hà hơi thổi ngạt.

Thứ hai, nhanh chóng ấn tim ngoài lồng ngực ngay nếu không thấy mạch cảnh hay mạch quay, thực hiện đồng thời và nhịp nhàng với thổi ngạt.

Khi đội cấp cứu 115 đến cần thực hiện ngay thủ thuật đặt ống nội khí quản và thở máy để cung cấp sớm oxy cho nạn nhân với liều cao

Nhân viên y tế cần thiết lập 2 đường truyền catheter tĩnh mạch và dùng thuốc vận mạch đúng chỉ định thuốc chống co giật khi có chỉ định, phòng ngừa và chống toan chuyển hoá bằng dung dịch NaHCO3. Duy trì oxy liệu pháp liều cao cho đến khi bàn giao bệnh nhân cho bệnh viện.