Sau 5 ngày được tăng cường chi viện cho Bắc Giang, BS Trần Thanh Linh cùng Đội phản ứng nhanh BV Chợ Rẫy vẫn ngày đêm theo dõi, chữa trị, cấp cứu, hồi sức cho những bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị tại BV Phổi Bắc Giang.
Với kinh nghiệm trải qua từ những trận dịch khốc liệt trước đó cũng như nghiên cứu về chủng virus mới, BS Linh đã tiên lượng được các nguy cơ và số lượng bệnh nhân có thể diễn tiến. Tuy nhiên, mỗi đợt dịch lại có đặc thù khác nhau và đặc thù của đợt dịch ở Bắc Giang là gây tổn thương phổi rất nhanh so với những đợt trước.
Trong 5 ngày qua, BS Linh đã tiếp nhận 3 ca phải thở máy, lọc máu liên tục, 7 ca thở oxy dòng cao. Đặc biệt có 1 ca được chuyển từ BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang sang BV Phổi Bắc Giang ngay trong đêm. Ca bệnh này, ban đầu anh tiên lượng xấu, phải làm ECMO (tim phổi nhân tạo), nhưng đội ngũ đã xử lý đặt nội khí quản, sau đó lọc máu là thấy đỡ và không cần ECMO.
“Thực sự, những ca bệnh của Bắc Giang khiến chúng tôi chịu căng thẳng và áp lực hơn vì bệnh nhân nặng tăng nhanh và các bệnh nhân còn trẻ quá. Bắc Giang không có nhiều bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh nền như đợt dịch Đà Nẵng, nhưng vì chủng virus lần này biến thể nên bệnh nhân nặng vẫn có. Đặc biệt, hiện số lượng người mắc vẫn gia tăng thì số lượng bệnh nhân nặng cũng sẽ tăng”, BS Linh nói.
Do vậy, công tác hồi sức tích cực lần này khó hơn vì bệnh nhân nặng diễn tiến tới nguy kịch rất nhanh. Nếu không theo dõi sát, không chủ động thì tử vong dễ xảy ra. “Đội ngũ y tế phải theo dõi nhiều, cực hơn hồi ở Đà Nẵng. Nhưng chính vì những điều này mà chúng tôi quyết tâm phải cứu bằng được các bệnh nhân, bệnh nhân trẻ nên thầy thuốc phải cố gắng cứu được. Kiên quyết không để tử vong”, bác sĩ Linh nhấn mạnh.
Hiện nay, BV Phổi Bắc Giang nhận tất cả các ca phải thở oxy từ các Bệnh viện dã chiến chuyển về và các trường hợp bệnh nhân thở HFNC (Liệu pháp oxy lưu lượng cao qua ống thông mũi) đang điều trị tại BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang./.