Trong quá trình điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng không hợp tác

Ngày 24/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM thông tin về việc bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam).

Bà Hằng bị khởi tố về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Các quyết định và lệnh trên đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn.

khoitohang-16481287732071740601259-16481437431171696747963-1648171401.jpg
Cơ quan công an đọc quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng. Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ

Theo Công an TP.HCM, bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội tổ chức nhiều buổi livestream với nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác.

Trong đó, bà Hằng sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Quá trình điều tra, Công an TP.HCM cho rằng bà Nguyễn Phương Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung đông người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại địa bàn TP.HCM và các địa phương khác.

Ở một diễn biến khác, theo tìm hiểu của PV Dân Việt, ngoài vụ việc vừa bị khởi tố, bắt tạm giam, cơ quan chức năng của TP.HCM và Bình Dương đang thụ lý đơn thư của nhiều cá nhân tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng về hành vi vu khống, làm nhục người khác gồm: ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, nhà báo Đặng Thị Hàn Ni, bà Đinh Thị Lan, ca sĩ Vy Oanh, vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên - Công Vinh, nhà báo Nguyễn Đức Hiển.

Đa số những người trên đã có đơn yêu cầu khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng vì đã có các hành vi đe dọa giết người; lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, hành vi vu khống; làm nhục người khác.

Trong đó, ông Hiển, bà Ni đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết tin tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và đảm bảo thời hạn giải quyết đúng quy định của pháp luật; ban hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các hành vi vi phạm pháp luật hình sự của bà Hằng theo đúng quy định pháp luật.

Bà Nguyễn Phương Hằng đang bị nhiều người tố cáo và sẽ khởi tố khi…

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, cơ quan điều tra cũng sẽ tiếp tục làm rõ hành vi của nữ doanh nhân này trong thời gian qua theo nội dung đơn thư tố cáo của những người nêu trên, trong đó sẽ làm các hành vi như vu khống, làm nhục người khác…

Nếu các hành vi trên cũng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của các tội danh như: Tội làm nhục người khác, Tội vu khống…, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục khởi tố để xử lý đối với bà Nguyễn Phương Hằng về nhiều tội danh theo quy định pháp luật.

2-zguz-9581-16481440172881767175452-1648171478.jpg
Các cá nhân trên tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng vì bà này liên tục livestream và có các hành vi "làm nhục người khác", "vu khống" và "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Phân tích về tội danh, luật sư Hòe cho biết: Tội vu khống được quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự 2015.

Vu khống, được hiểu là hành vi bịa đặt, loan truyền những điều mà mình biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự, hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Về mặt khách quan, tội danh này có các dấu hiệu sau đây: Có hành vi bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Hành vi này thể hiện qua việc người phạm tội đã tự đặt ra và loan truyền những điều không đúng với sự thật và có nội dung xuyên tạc để xúc phạm đến danh dự của người khác hoặc để gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Người phạm tội thực hiện hành vi này có thể bằng cách nói trực tiếp hoặc thông qua các phương thức khác như qua phương tiện thông tin đại chúng, nhắn tin qua điện thoại di động.

Có hành vi loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Hành vi này được thể hiện qua việc người phạm tội tuy không đặt ra những điều không đúng sự thật về người khác và biết rõ điều đó là bịa đặt nhưng vẫn loan truyền điều bịa đặt đó cho người khác.

Có hành vi bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tội danh này có mức phạt cao nhất là 7 năm tù.

Trong khi đó, Tội làm nhục người khác được quy định tại điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015. 

Người phạm tội có hành vi có tính chất xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.

Những hình thức biểu hiện của hành vi này rất đa dạng, có thể là những lời nói có tính chất thoá mạ, sỉ nhục, miệt thị hạ thấp danh dự, xúc phạm nhân phẩm như chửi bới, nhạo báng... hoặc có thể là những cừ chỉ, hành vi có tính chất bỉ ổi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.

Những hành vi này có thể được thực hiện công khai trước mặt người bị xúc phạm hoặc có thể qua người khác để đến người này.

Mặt khách quan của tội này được thể hiện qua hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác dưới hình thức sau:

Thể hiện bằng lời nói: Như sỉ nhục, thóa mạ, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu… nhằm vào nhân cách, danh dự, với tính chất là hạ thấp nhân cách, danh dự của người bị hại, đồng thời làm cho người bị hại cảm thấy xấu hổ, nhục nhã trước những người khác.

Thể hiện bằng việc làm: Như có những hành vi lột trần truồng nạn nhân, nhổ nước bọt vào mặt, ném phân, cà chua, trứng thối vào người, xe cộ... với chính bản thân mình hoặc người bị hại trước đám đông để bêu riếu.

Đặc trưng của tội này là thường diễn ra công khai, trực tiếp và trước nhiều người, có thể thực hiện công khai trước mặt người đó hoặc vắng mặt nạn nhân nhưng người phạm tội có ý thức để cho nạn nhân biết việc lăng nhục đó vì động cơ cá nhân.

Tội danh này có mức phạt tù cao nhất là 5 năm./.