Từ năm 2012, để bố trí đủ công chức cho các Phòng Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), UBND tỉnh Nghệ An đã thực hiện chủ trương biệt phái cán bộ, giáo viên tại các trường học về cho Phòng GD&ĐT. Những người thuộc diện biệt phái thời điểm đó hầu hết đều là hiệu phó hoặc hiệu trưởng từ các trường, được lựa chọn kỹ càng để giúp việc cho Phòng.

Tuy nhiên, việc thực hiện quy định mỗi nơi vận dụng một khác, tạo ra không ít kẽ hở. Mới đây kết quả các cuộc thanh tra ở tỉnh Nghệ An cho rằng, việc chi trả các khoản phụ cấp cho cán bộ, giáo viên biệt phái từ trường học về Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trong những năm qua là không đúng quy định. Sau khi có kết quả thanh tra, không chỉ bị cắt phụ cấp, hàng trăm người còn bị yêu cầu phải nộp lại số tiền phụ cấp đã nhận trong những năm gần đây.

Vấn đề này đã tác động trực tiếp đến quyền lợi, cuộc sống, nghề nghiệp, tâm tư, tình cảm, thậm chí là niềm tin của đội ngũ nhà giáo.

qq-1696644704.jpg
Nhiều năm nay, các phòng GD&ĐT hầu hết đều không được bổ sung đủ biên chế theo quy định. Trong khi đó, việc điều động giáo viên biệt phái gặp nhiều khó khăn vì không đảm bảo các chính sách.

Mỗi ngành một ý trong xử lý

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, chế độ cho viên chức biệt phái được thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 6612 của UBND tỉnh Nghệ An ban hành ngày 24/9/2012 trong suốt nhiều năm liền.

Tuy nhiên, đến năm 2018, Sở Tài chính tỉnh này lại có văn bản cho rằng, việc chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi này không đúng với tinh thần trong Quyết định số 42, ngày 5/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục.

Cũng theo Sở Tài chính Nghệ An, công văn 6612 không phải là văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh Nghệ An ban hành mà chỉ mang tính chất hướng dẫn. Do đó, việc UBND cấp huyện căn cứ công văn trên để ban hành quyết định điều động, biệt phái viên chức về công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo và chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề là không đúng quy định.

Do đó ngày 9/2/2018, Sở này đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An hủy hoặc bãi bỏ công văn số 6612. Đồng thời chỉ đạo UBND cấp huyện dừng chi trả phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề đối với giáo viên được điều động, biệt phái làm công tác tại các Phòng Giáo dục và Đào tạo theo đúng quy định tại Quyết định số 42 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, khi chưa có văn bản nào của cấp có thẩm quyền quy định về chính sách hỗ trợ nên hầu hết các huyện sau đó vẫn tiếp tục chi trả phụ cấp ưu đãi cho những viên chức biệt phái về Phòng Giáo dục và Đào tạo theo quy định cũ.

Mới đây, Sở Tài chính Nghệ An cho biết, qua kiểm toán tại các huyện trên địa bàn năm 2018. Kiểm toán Nhà nước khu vực II cũng đã kết luận việc chi trả phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động, biệt phái đến công tác tại phòng Giáo dục và Đào tạo chưa đúng quy định theo Quyết định số 42 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngay sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương đồng loạt tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc biệt phái, hưởng chế độ phụ cấp giáo viên biệt phái. Qua rà soát, tổng số giáo viên biệt phái và có hưởng phụ cấp trong giai đoạn 2021-2022 tại 19 huyện, thị (ngoại trừ thị xã Cửa Lò và TP Vinh) là 281 người, trong đó năm 2021 là 143 người, năm 2022 là 138 người. Tổng số tiền các loại phụ cấp đã chi trả cho những người này trong 2 năm là hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều địa phương chi trả khoản tiền phụ cấp khá lớn như huyện Kỳ Sơn trên 1,8 tỷ đồng, huyện Thanh Chương trên 1 tỷ đồng, huyện Quỳ Châu trên 1,1 tỷ đồng, huyện Tương Dương cũng trên 970 triệu đồng….

Về quan điểm xử lý đối với số tiền phụ cấp đã chi trả cho các giáo viên biệt phái cũng có nhiều cách làm khác nhau. Cụ thể, có 15/19 địa phương kiến nghị bảo lưu, không truy thu số phụ cấp mà giáo viên biệt phái đã được hưởng chưa phù hợp quy định. Vì các giáo viên này được hưởng chế độ thiệt thòi hơn so với các giáo viên đang dạy tại nhà trường. Mặt khác, nhiều giáo viên đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác nên khó thực hiện truy thu.

Trong khi, một số địa phương lại cho rằng, việc vận dụng, chi trả các phụ cấp giáo viên biệt phái là phù hợp với quy định và tình hình thực tiễn, đảm bảo chế độ, chính sách, quyền lợi và khuyến khích, động viên giáo viên biệt phái yên tâm công tác. Ngoài ra, cũng có 2 địa phương kiến nghị truy thu số phụ cấp mà các giáo viên biệt phái đã được hưởng chưa phù hợp với quy định.

qqq-1696644729.jpg
Do cơ chế chính sách, hiện nhiều Phòng GD&ĐT huyện, thành, thị xã ở Nghệ An thiếu nhân lực do cán bộ xin về lại cơ sở.

Để tham mưu UBND tỉnh hướng xử lý, sau khi có kết quả kiểm tra, Sở Tài chính cũng đã có văn bản đề nghị Thanh tra tỉnh, Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất phương án xử lý đối với số tiền phụ cấp đã chi trả cho các giáo viên biệt phái chưa đúng quy định. Có thu hồi, nộp trả ngân sách hay không?...

Trong văn bản phản hồi, dù khẳng định việc chi trả phụ cấp là chưa phù hợp với quy định và về nguyên tắc phải truy thu toàn bộ số tiền đã chi, nhưng phía Thanh tra tỉnh cũng cho rằng, thực tế cán bộ, giáo viên biệt phái được hưởng các chế độ chính sách thiệt thòi hơn so với những người đang giảng dạy ở trường học và công chức Phòng Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, Thanh tra tỉnh đề xuất Sở Tài chính căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra và kiến nghị của cấp huyện để xem xét, tham mưu biệt phái xử lý đối với số tiền đã chi trả chưa phù hợp với quy định.

Ông Nguyễn Đức Vĩnh – Trưởng phòng Nội vụ huyện Anh Sơn cho biết: "Các viên chức được biệt phái lên phòng giáo dục được căn cứ theo Luật Viên chức, việc chi trả chế độ biệt phái phải đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật. Vì vậy, theo tôi nếu thu hồi hoàn toàn chế độ của các giáo viên biệt phái là không đúng và nếu như vậy chắc chắn sẽ không có giáo viên nào đồng ý đi biệt phái".

Đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này, về phía Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ nguyên quan điểm và đề nghị không thực hiện việc truy thu các chế độ phụ cấp đối với nhà giáo biệt phái làm các nhiệm vụ chuyên môn ở Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Từ đó đến nay, trên cơ sở số người làm việc được giao và nguồn ngân sách được phân bổ, UBND cấp huyện đã thực hiện bố trí giáo viên biệt phái theo hướng dẫn tại công văn số 6612, bảo đảm chế độ cho nhà giáo, ổn định và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị tiếp tục thực hiện chế độ theo tinh thần Công văn số 6612 và Chỉ thị số 15 của UBND tỉnh.

Còn phía Sở Nội vụ Nghệ An, trong văn bản phản hồi đã không nêu quan điểm về việc có truy thu hay không truy thu. Sở này đề nghị Sở Tài chính phối hợp với Thanh tra tỉnh tham mưu theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Cần giải quyết thấu tình, đạt lý

Sau khi tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, ngày 14/6/2023, Sở Tài chính đã có văn bản về việc tham mưu xử lý phụ cấp chi trả cho giáo viên biệt phái. Trong đó, Sở Tài chính cho rằng "về nguyên tắc, số tiền đã chi trả cho các cán bộ, giáo viên biệt phái không đúng quy định phải được thu hồi về ngân sách nhà nước".

Mới đây nhất, ngày 7/8/2023, vấn đề chi trả chế độ phụ cấp cho giáo viên biệt phái lại một lần nữa được lật lại. Trong báo cáo gửi UBND tỉnh ngày 13/10/2022, Thanh tra tỉnh này cho biết UBND tỉnh Nghệ An có văn bản, chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị dừng chi trả các khoản phụ cấp không đúng quy định đối với giáo viên biệt phái công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo cho đến khi có quy định của cấp có thẩm quyền.

Đồng thời, giao Sở Tài chính hướng dẫn các huyện xử lý các khoản phụ cấp đã chi trả không đúng quy định; tổng hợp tham mưu UBND cấp huyện ban hành quyết định thu hồi về ngân sách cấp huyện theo đúng quy định…

Văn bản chỉ đạo của tỉnh Nghệ An ban hành trước thời điểm năm học mới chính thức bắt đầu khiến cho nhiều địa phương lúng túng trong thực hiện. Chưa nói đến vấn đề truy thu, thời điểm này việc giữ chân giáo viên biệt phái ở các phòng giáo dục hay tìm "lối ra" cho các giáo viên biệt phái ở phòng giáo dục đều đang lúng túng.

Ông Lê Đình Cẩn – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành cho biết: "Với địa bàn rộng như huyện Yên Thành, nhưng hiện nay chỉ mới được bố trí 4 công chức, trong đó có 1 trưởng phòng, 1 phó phòng và 2 chuyên viên. Còn lại chúng tôi đang phải sử dụng 10 biệt phái, trong đó người lâu nhất cũng hơn 20 năm".

44-1696647666.PNG
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành gặp khó khăn khi nhiều giáo viên biệt phái xin chuyển công tác xuống cơ sở.

Hiện nay, sau khi có văn bản của tỉnh, phần lớn các giáo viên biệt phái ở phòng hiện đều đang có nguyện vọng trở lại trường cũ. Nhưng trước mắt, phòng chỉ mới sắp xếp được 2 người, trong đó có một giáo viên nguyên là hiệu phó về làm giáo viên, một thầy là hiệu trưởng sẽ về làm hiệu phó. Những người còn lại chưa biết bố trí thế nào sao cho phù hợp vì tất cả các vị trí ở các nhà trường đều kín chỗ.

Về việc truy thu của Sở Tài chính, ông Phạm Xuân Sánh – Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết, huyện cũng vừa có văn bản gửi UBND tỉnh và Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo liên quan vấn đề này. "Việc dừng chi trả và truy thu đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, vật chất lẫn tinh thần đối với giáo viên được biệt phái khi phải dừng tất cả các khoản phụ cấp (ưu đãi, thâm niên...). Như vậy, thu nhập giáo viên biệt phái ở Phòng sẽ thấp hơn nhiều so với giáo viên đang công tác tại các trường (có thêm phụ cấp thâm niêm, phụ cấp ưu đãi...). Đấy là chưa kể sau khi về hưu họ sẽ không được tính các khoản phụ cấp để hưởng bảo hiểm…", ông Sánh nói.

Về vấn đề giáo viên biệt phái, hiện trước nhiều văn bản khác nhau, tìm "lối ra" nào cho giáo viên biệt phái đang là câu hỏi ngỏ. Vấn đề điều động, luân chuyển giáo viên hiện đang là câu chuyện rất khó cho ngành giáo dục, đã vượt ra ngoài khả năng của ngành giáo dục.

Trong khi chờ một chính sách phù hợp, các phòng giáo dục đều mong muốn, tỉnh và các địa phương cần sớm bố trí đủ công chức cho các phòng theo đúng quy định để đảm bảo đủ lao động làm việc. Bên cạnh đó, cần giải quyết thấu đáo để các giáo viên biệt phái yên tâm công tác, tránh xao động về tư tưởng, tình cảm và có chế độ phù hợp để có thể thu hút các giáo viên biệt phái.