Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Teuku Faizasyah ngày hôm qua (21/9) xác nhận cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Australia và Tổng thống Indonesia đã bàn về những diễn biến mới nhất trong khu vực. Tại đây, Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định, nước này sẽ tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Theo Thủ tướng Australia, quan hệ đối tác an ninh mới giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) nhằm mục đích đóng góp vào sự ổn định và "cân bằng chiến lược" trong khu vực. Trong thời gian tới, phái đoàn Australia sẽ tới Jakarta để giải thích chi tiết hơn cho Chính phủ Indonesia về vấn đề này.
Trước đó, Indonesia đã bày tỏ quan ngại về việc thỏa thuận của liên minh AUKUS trong việc chế tạo tàu ngầm hạt nhân sẽ thúc đẩy các cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Trong tuyên bố chính thức ngày 17/9, Bộ Ngoại giao Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Australia cam kết tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến không phổ biến vũ khí hạt nhân và khuyến khích Australia tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực theo Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC).
Indonesia cũng kêu gọi Australia và các bên liên quan tiếp tục thúc đẩy đối thoại trong việc giải quyết các khác biệt một cách hòa bình, đặc biệt tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 để duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực.
Indonesia không phải là quốc gia ASEAN duy nhất bày tỏ quan ngại công khai về hạm đội tàu ngầm hạt nhân mà Australia sẽ phát triển. Cuối tuần qua, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết dự án này có thể "kích động các nước khác có hành động gây hấn hơn trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông". Một số quốc gia ASEAN đã thúc đẩy nhu cầu ban hành một tuyên bố chung gây lo ngại về AUKUS.
Các nhà ngoại giao và quan chức quốc phòng Australia đang nỗ lực xoa dịu và giảm bớt lo ngại của các đối tác ASEAN. Đại sứ Australia tại ASEAN Will Nankervis đã đưa ra tuyên bố rằng AUKUS "không phải là một liên minh cũng không phải là một hiệp ước quốc phòng". Thỏa thuận này "không thay đổi cam kết của Australia đối với ASEAN cũng như sự ủng hộ tiếp tục của chúng tôi đối với vai trò lãnh đạo ASEAN trong khu vực".
Tuyên bố của Đại sứ Australia tại ASEAN cũng nêu rõ Australia “không có ý định sở hữu vũ khí hạt nhân và tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân của nước này sẽ không mang theo vũ khí hạt nhân”. Nước này hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân./.