Theo Sine Ozkarasahin, nhà phân tích an ninh và quốc phòng tại trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách đối ngoại (EDAM), Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào Nga 45% khí đốt, nhưng việc tiếp tục hợp tác với Moskva đang khó khăn hơn trước áp lực từ các đồng minh phương Tây. Khi áp lực gia tăng, lập trường tương đối trung lập của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc khủng hoảng Ukraine ngày càng khó duy trì.

Chuyên gia Ozkarasahin cho rằng, trong suốt cuộc xung đột ở Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ khá thành công khi tạo ra sự cân bằng mong manh giữa các đồng minh phương Tây và đối tác kinh tế Nga của mình. Chiến lược này thể hiện rõ trong các cuộc đàm phán ngoại giao sâu rộng và trung gian hòa giải liên tục giữa Kiev và Moskva. Tuy nhiên, với sức ép ngày càng tăng khi xung đột kéo dài, chiến lược trên ngày càng gặp nhiều thách thức.

2615-dogan-1667288248.jpg
Tổng thống Nga Putin (phải) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga - Ukraine, Ankara thực hiện một nỗ lực đáng kể để chứng minh vị thế là một thành viên đáng tin cậy của NATO đối với các đồng minh. Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia đầu tiên trong NATO cung cấp cho Ukraine các hệ thống vũ khí quan trọng. Viện trợ quân sự của Ankara tập trung vào nguồn cung cấp thiết bị bay không người lái (UAV), đặc biệt là Bayraktar TB2 được chứng minh tính hiệu quả trên thực tế.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa racác giải pháp cho một số vấn đề chiến lược cấp bách ở Ukraine. Vài ngày sau khi xung đột nổ ra, Ankara viện dẫn Công ước Montreux và đóng cửa eo biển Dardanelles và Bosporus đối với tàu chiến Nga. Trong bối cảnh cảng Odessa bị phong tỏa và cuộc khủng hoảng lương thực nguy cơ bùng phát, Ankara làm trung gian cùng với Liên Hợp Quốc thiết lập hành lang ngũ cốc cho phép các tàu bị mắc kẹt ở cảng của Ukraine có thể xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế…

Đó là lí do tại sao, trong khi giúp củng cố khả năng quân sự của Ukraine, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng cho rằng Ankara có thể coi Su-35 do Nga sản xuất như một sự lựa chọncho việc hiện đại hóa không quân nước này. Tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ đang có một dự án năng lượng chiến lược với Nga - nhà máy điện hạt nhân Akkuyu - cũng như một thỏa thuận gần đây về một dự án đường ống sẽ kết nối khí đốt của Nga với châu Âu.

Tuy nhiên, với việc xung đột ở Ukraine kéo dài và nguy cơ leo thang, Thổ Nhĩ Kỳ có thể rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan". Về mặt lí trí, Ankara sẽ cần các đồng minh phương Tây thừa nhận những lo ngại về an ninh chính đáng của mình.

Trong nhiều thập kỉ, chiến lược ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy tính hiệu quả ở hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, trong trường hợp của Ukraine, thời gian cho vai trò trung gian của Ankara có thể bị thu hẹp. Thực tế này được thể hiện trong tuyên bố của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đầu tháng 10/2022. Quan chức ngoại giao này lưu ý, cả hai bên Ukraine và Nga đã “nhanh chóng rời xa giải pháp ngoại giao” và “một lệnh ngừng bắn khả thi” giữa hai bên phải được “thiết lập càng sớm càng tốt”.

Tuyên bố trên phản ánh một thực tế là Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phụ thuộc vào Nga trong các lĩnh vực quan trọng, gồm năng lượng, du lịch và an ninh.Về năng lượng, Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc Nga 45% lượng khí đốt. Về tài chính, hệ thống ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng bị phương Tây gây sức ép, khiến các ngân hàng lớn của Thổ Nhĩ Kỳ tạm ngừng thanh toán theo hệ thống Mir của Nga…

Nhìn chung, bị áp lực bởi cả hai bên, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng rơi vào thế khó, đặc biệt trong mùa Đông này. Để trấn an NATO, Ankara có thể sẽ cần đến một cuộc đối thoại cởi mở nhấn mạnh lợi ích chung, cũng như sự đồng cảm với các mối quan tâm và nhu cầu an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ./.