Vũ khí “thông minh”
Bom, đạn dẫn đường chính xác (precision-guided munition - PGM, còn được gọi là vũ khí thông minh) là loại bom, đạn được lái dẫn để đánh trúng một mục tiêu cụ thể, nhằm tăng xác suất phá hủy đối với các mục tiêu đã định, giảm thiểu thiệt hại phụ. Quá trình phát triển vũ khí thông minh đồng thời là quá trình phát triển của các phương pháp dẫn hướng, điều khiển - từ phương pháp lái dẫn bằng quán tính (INS), vô tuyến (TV), điện-quang, hồng ngoại (IR), laser, đến dẫn hướng bằng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và kết hợp INS/GPS, TV/IR. Sự ra đời của các loại bom dẫn đường chính xác dẫn đến việc người ta gọi các loại bom cũ hơn là "bom không điều khiển", "bom câm" hoặc "bom sắt".
Trong Chiến tranh Vùng Vịnh lần I, bom, đạn dẫn đường chỉ chiếm 9% tổng số vũ khí được sử dụng, nhưng lại chiếm 75% tổng số vụ tấn công thành công. Mặc dù bom dẫn đường thường được sử dụng cho các mục tiêu khó khăn hơn, chúng vẫn có khả năng tiêu diệt mục tiêu cao hơn 35 lần so với bom thả theo phương pháp thông thường và tính hiệu quả được chứng minh trong các cuộc chiến tranh gần đây ở Nam Tư, Afghanistan và Iraq.
Ngay cả khi một số quả bom dẫn đường trượt mục tiêu, sẽ có ít phi hành đoàn gặp rủi ro hơn và tác hại đối với dân thường cũng như số lượng thiệt hại tài sản có thể được giảm bớt. Bom đạn chính xác cũng làm tăng tính linh hoạt trong chiến đấu, phù hợp với chiến lược phản ứng nhanh trong tác chiến. Các loại vũ khí dẫn đường bằng laser và GPS cho phép vận chuyển ít loại vũ khí hơn, trong khi vẫn giữ được tính linh hoạt trong nhiệm vụ, vì những vũ khí này có thể được sử dụng để chống lại các mục tiêu di chuyển và cố định.
Quân đội Mỹ đang chuẩn bị cho các môi trường tác chiến GPS bị từ chối; chương trình JDAM của Không quân chuyển đổi bom câm thành vũ khí chính xác; công nghệ phát triển đạn Excalibur cũng được áp dụng trên các loại pháo thông thường và súng cối. Các nguyên mẫu vũ khí nhỏ dẫn đường chính xác đã được phát triển sử dụng bộ chỉ định laser để dẫn đường cho viên đạn được điều khiển tới mục tiêu. Một hệ thống khác đang được phát triển sử dụng công cụ đo xa laser để kích hoạt một quả đạn khi ở gần mục tiêu… Quân đội Mỹ có kế hoạch sử dụng các loại bom đạn như vậy trong tương lai.
Anh phát triển vũ khí thông minh thế hệ mới
Theo các chuyên gia quân sự, thế hệ tên lửa hiện tại có một nhược điểm đáng kể là chỉ có thể “nói chuyện” với bệ phóng của chúng, nhưng không thể nói chuyện với nhau. Để khắc phục điều này, chương trình "Trình diễn công nghệ vũ khí hợp tác tấn công" (Co-operative Strike Weapons Technology Demonstrator - CSWTD) của Bộ Quốc phòng Anh sẽ xem xét phát triển cả phần cứng mới và phần mềm mới giúp tên lửa “hợp tác” hơn, đặc biệt là khả năng xử lý và phản ứng của tên lửa khi tình huống mới xuất hiện cũng như nghiên cứu cách áp dụng chúng vào các tình huống trong thế giới thực.
Chính phủ Anh đang đầu tư cho dự án chế tạo tên lửa "vạn năng và linh hoạt" trong khuôn khổ một chương trình đang được triển khai, với ngân sách nghiên cứu và phát triển trị giá 6 tỷ bảng Anh (8 tỷ USD) của Bộ Quốc phòng, cho phép các hệ thống vũ khí hoạt động cùng nhau, cải thiện các đặc tính của các hệ thống hiện có, bao gồm cả việc vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.
Sẽ xuất hiện một thế hệ vũ khí mới thông minh theo đúng nghĩa thực tế là chúng có thể thu thập dữ liệu, cho phép các loại đạn dược liên lạc với nhau, đánh giá tình huống và thay đổi phương án tấn công các mục tiêu, phản ứng nhanh trước các mối đe dọa đang thay đổi.
Ở giai đoạn đầu, 3,5 triệu bảng Anh (4,8 triệu USD) đã được đầu tư cho Phòng thí nghiệm Công nghệ Khoa học Quốc phòng (Defence Science Technology Laboratory - DSTL) nhằm mục đích tạo ra phần mềm cho phép một số tên lửa hoạt động cùng nhau trong một "bầy tên lửa" có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa thuộc chương trình trong khuôn khổ chương trình CSWTD. Trong thực tế, đây là một trong những biến thể của chương trình tạo ra một “bầy” máy bay không người lái, đang được thực hiện ở các quốc gia khác nhau, bao gồm cả Mỹ với công nghệ Golden Horde (Golden Horde technology).
Dự án do DSTL dẫn đầu sẽ thiết lập cách thức liên lạc giữa các tên lửa có thể cho phép các hệ thống vũ khí hoạt động cùng nhau và cũng cải thiện hiệu suất của các hệ thống hiện tại. Dự án nhằm mục đích tăng tính linh hoạt của tên lửa, đảm bảo rằng chúng có thể phản ứng với một mối đe dọa hoặc tình huống đang thay đổi khi nó xuất hiện và cải thiện khả năng phản ứng của chúng. Nó sẽ thay đổi cách thức hoạt động của tên lửa cùng với việc nâng cấp hệ thống phần mềm cho phép thực hiện hành vi hợp tác này.
Theo tiến độ, trong giai đoạn hiện tại, các nhà khoa học DSTL đánh giá các chiến thuật và kịch bản tác chiến khác nhau với sự cộng tác chặt chẽ với đối tác trong ngành từ tập đoàn tên lửa đa quốc gia MBDA (bao gồm EADS (nay là Airbus), Finmeccanica (nay là Leonardo) và BAE Systems). Dự án kéo dài 2 năm, bắt đầu vào tháng 4/2021 và công nghệ mới có thể được tích hợp vào mạng lưới tên lửa tích hợp thông minh hơn trong vòng 5 năm./.