Hái lá rừng làm rau, không có điện, nước sinh hoạt, không sóng điện thoại... là cuộc sống thường nhật của các chiến sĩ bám chốt kiểm soát dịch Covid-19 của đồn Biên phòng Bát Mọt (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa).
 
Với địa bàn 17km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào), chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 của đồn Biên phòng Bát Mọt được coi là lá chắn hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập. 
 
12 tổ công tác, mỗi tổ 6 người đã được thành lập để thay nhau tuần tra, kiểm soát trên địa bàn. 
 
 
Các chiến sĩ vào rừng lấy củi và hái rau rừng chuẩn bị cho bữa ăn
 
Theo Thượng úy Bùi Như Lực, đội trưởng đội kiểm soát hành chính, với tinh thần chống dịch như chống giặc, phương châm 4 tại chỗ “Hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ động tại chỗ” đã được vận dụng vào “cuộc chiến” này.
 
Nằm cách đồn hơn 20km, cứ vài ngày các chiến sĩ mới quay về đơn vị để nhận thực phẩm một lần. Đồ ăn không để được lâu nên những ngày sau, họ phải đi lấy củi và hái rau rừng để nấu nướng. Bữa cơm đạm bạc thường chỉ có lá tàu bay hoặc hoa chuối, thêm một chút cá khô.
 
 





 
Lá tàu bay và hoa chuối là món ăn chủ đạo của các chiến sĩ
 
"Biên giới những ngày này đang là mùa khô nên nước từ các khe suối cũng khan hiếm. Để có được nước sinh hoạt, chúng tôi phải dùng máng tre dẫn nước rồi dùng bạt làm mó trữ. Nhiều hôm, anh em phải đi cả cây số lấy nước dự trữ. Có những buổi chiều, đàn trâu ngang qua đẫm lên mó nước của anh em, nhiều sinh hoạt phải chững lại đến đêm khuya”, anh Lực chia sẻ.
 
Và chuyện không có điện, không sóng điện thoại, không có nước sinh hoạt, bị muỗi và vắt cắn cũng là... thường tình.
 
Theo Trung tá Thịnh Văn Kiên, Chính trị viên đồn Biên phòng Bát Mọt, không chỉ vất vả về sinh hoạt, các chiến sĩ còn khó khăn về công tác kiểm tra, kiểm soát do địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, nhiều sương mù và mưa phùn ẩm ướt..
 

 
Bát đũa được phơi ngoài trời


 
Các chiến sĩ đi rửa bát, xách nước cách lán trại hơn 1 cây số


 
Quây bạt làm mó nước sinh hoạt
 
“Khi có dịch, hai bên đã đóng cửa biên giới nên người lao động bên Lào về chủ yếu di chuyển theo đường rừng, lợi dụng những hôm sương mù, mưa lớn để vượt biên nên rất khó kiểm soát, nếu sơ suất có trường hợp nhiễm bệnh về địa phương sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng”, anh Kiên nói.
 

Thuốc men là thứ không thể thiếu ở lán trại


 
Các chiến sĩ nhóm lửa cho sáng và sưởi ấm

 
 
 
Lực lượng Biên phòng đã bắt được 1 người vượt biên đưa về nơi cách ly
 
Kể từ chốt kiểm soát được lập, các chiến sĩ đã phát hiện và bắt giữ 10 trường hợp băng rừng vượt biên trái phép. Sau khi lập biên bản vi phạm hành chính, đơn vị đã bàn giao những người này cho cơ quan chức năng để đưa đi cách ly tập trung./.