Mới đây, Công an tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Hứa Mạnh Cường (19 tuổi, trú tại thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), Nguyễn Xuân Đạt (42 tuổi, trú tại TP Lạng Sơn) và Hoàng Văn Thư (40 tuổi; quản lý quán karaoke tại Phú Lộc, tỉnh Lạng Sơn) về hành vi "Mua bán người dưới 16 tuổi". Nạn nhân là 2 thiếu nữ sinh năm 2006 và 2007.

an-nao-cho-3-bi-can-lua-ban-2-thieu-nu-vao-quan-karaoke-1658741873.jpg
Các đối tượng tại cơ quan Công an. 

Qua sự việc này, nhiều người cũng đặt câu hỏi, 3 bị can có thể sẽ đối diện với mức án nào? Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trước hết, xét về độ tuổi của người bị hại là dưới 16 tuổi. Theo Điều 1 Luật Trẻ em 2016 có quy định về độ tuổi với tội danh "mua bán người dưới 16 tuổi", vì đây là một hành vi xâm hại đặc biệt nghiêm trọng tới trẻ em.

Luật sư Tùng phân tích, điều 151 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Tội mua bán người dưới 16 tuổi là trường hợp người phạm tội có hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác, tuyển mộ, vận chuyển chứa chấp để thực hiện các hành vi nói trên.

an-nao-cho-3-bi-can-lua-ban-2-thieu-nu-vao-quan-karaoke-hinh-2-1658741899.jpg
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) 

Các yếu tố cấu thành tội danh mua bán người dưới 16 tuổi có yếu tố khách quan và chủ quan. Cụ thể: Mua đứa trẻ của người khác nhằm để bán thu lợi và bán đứa trẻ sau khi mua hoặc khi bắt trộm để thu lợi. Việc mua bán trẻ em có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, dù dưới bất kì hình thức nào thì người có một trong các hành vi nói trên vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn về mặt chủ quan, tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp bởi người phạm tội nhận thức hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn thực hiện hành vi để đạt được những mục đích nhất định.

Theo luật sư Tùng, trong trường hợp mua bán hai người dưới 16 tuổi vào quán karaoke được nêu đến, các dấu hiệu của hành vi phạm tội được thể hiện: Về mặt khách quan, các đối tượng dùng hình thức giới thiệu việc làm bán quần áo cho người bị hại để bán người bị hại vào quán karaoke nhằm thu lợi cho bản thân. Về mặt khách thể, hành vi bán người bị hại vào quán karaoke của ba đối tượng đã xâm phạm đến quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, sống chung với gia đình và được bảo vệ của trẻ em.

Về mặt chủ quan, hành vi này của ba đối tượng được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp bởi cả ba đối tượng đều nhận thức hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, cả ba đối tượng đều thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn thực hiện hành vi để đạt được mục đích là thu lợi với số tiền 9 triệu đồng/người khi bán cho quán karaoke

Đối với chủ thể, độ tuổi của cả ba đối tượng đều là trên 18 tuổi. Đây là độ tuổi của người thành niên, có đầy đủ nhận thức về hành vi và trách nhiệm về hành vi của mình. Thời điểm thực hiện hành vi phạm tộ, cả ba đối tượng đều có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, không có vấn đề về sức khoẻ cũng như nhận thức được sự nguy hiểm và vi phạm pháp luật của hành vi đó.

Đối với hành vi phạm tội này, ba đối tượng có thể bị phạt tù từ 12 - 20 năm theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 151 Bộ luật Hình sự 2015: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm: Đối với từ 2 - 5 người. Hành vi mua bán người dưới 16 tuổi là một hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến những quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em. Chính vì vậy cần ngăn chặn một cách tối đa để giảm thiểu hành vi vi phạm này.

Hiện vụ lừa bán 2 thiếu nữ vào quán karaoke ở Lạng Sơn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ./.