Đây là động thái của Ấn Độ nhằm thể hiện ‘Chính sách Hành động Hướng Đông’ của mình cũng như gửi một thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc.

Hải quân Ấn Độ vừa thông báo sẽ cử một nhóm gồm 4 tàu chiến tới Biển Đông trong một nhiệm vụ kéo dài 2 tháng.

4 tàu chiến của Hải quân Ấn Độ gồm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Ranvijay, tàu khu trục hạng nhẹ mang tên lửa dẫn đường Shivalik, tàu hộ tống chống ngầm Kadmatt và tàu hộ tống mang tên lửa dẫn đường Kora sẽ lên đường từ đầu tháng 8 và có nhiều hoạt động tương tác với hải quân các nước tại khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.

Ấn Độ cử 4 tàu chiến tới Biển Đông tham gia nhiều cuộc tập trận
Một tàu chiến của Hải quân Ấn Độ tham gia diễn tập thường niên với Hải quân Nga tại biển Baltic hồi cuối tháng 7. (Ảnh: ANI)

Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, nhóm tàu chiến này sẽ tham gia các cuộc diễn tập song phương với Hải quân Malaysia, Philippines, Singapore, Indonesia, Australia... Hải quân Ấn Độ cũng sẽ tham gia vào cuộc tập trận Malabar 2021 bên cạnh Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật Bản, Hải quân Hoàng gia Australia và Hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Thông cáo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết: Hải quân nước này thực hiện việc triển khai thường lệ tới các quốc gia bạn bè, tới khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương nhằm triển khai Sáng kiến "An ninh và Tăng trưởng cho tất cả các quốc gia trong khu vực - SAGAR" do Thủ tướng nước này khởi xướng. “Các sáng kiến hàng hải giúp nâng cao sức mạnh tổng hợp và khả năng phối hợp giữa Hải quân Ấn Độ với các quốc gia bạn bè, dựa trên lợi ích hàng hải chung và cam kết hướng tới Tự do Hàng hải”- Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết.

Điểm đáng chú ý là lần triển khai này của Hải quân Ấn Độ diễn ra vào thời điểm bộ binh Ấn Độ và Trung Quốc vẫn đang duy trì tình trạng căng thẳng tại biên giới sau cuộc đối đầu tháng 5/2020 ở khu vực Đông Ladakh. Bất chấp các cuộc đối thoại ngoại giao và quốc phòng, hai cường quốc châu Á này vẫn chưa giải quyết dứt điểm các điểm tranh chấp tại biên giới./.