Sau thời gian dài chờ đợi, ngày 4/6, Ấn Độ đã chính thức công bố tuyển chọn nhà thầu cho dự án đóng mới trong nước 6 tàu ngầm tàng hình thế hệ mới.

Dự án có tổng trị giá hơn 7 tỷ USD, được thực hiện theo hình thức hợp tác với các nhà thầu nước ngoài để triển khai sản xuất, lắp ráp tại Ấn Độ. Hội đồng Mua sắm Quốc phòng (DAC) Ấn Độ đã phê duyệt hồ sơ dự thầu và đề nghị mời thầu được cấp cho hai cơ sở đóng tàu quân sự trong nước là nhà máy đóng tàu quốc phòng Mazagon và công ty đóng tàu tư nhân L&T. Hai đơn vị này nằm trong danh sách tuyển chọn cuối cùng cho chương trình Đóng tàu diesel- điện mang tên ‘Project-75 India’ (P-75I).

Ấn Độ chuẩn bị mở thầu đóng mới 6 tàu ngầm cho Hải quân
Hải quân Ấn Độ tổ chức lễ biên chế tàu ngầm lớp Scorpene INS Karanj đóng mới theo hợp đồng với Pháp tại cảng Mumbai hôm 10/3. Ảnh: ANI

P-75I sẽ là dự án đầu tiên được triển khai theo chính sách Đối tác công - tư, được ban hành tháng 5/2017, nằm trong tổng thể chương trình ‘Make in India’ (Sản xuất tại Ấn Độ). Các nhà thầu nước ngoài được xét chọn trong dự án này gồm có Rosoboronexport/Cục Thiết kế Rubin (Nga), Naval Group-DCNS (Pháp), ThyssenKrupp Marine Systems (Đức), Navantia (Tây Ban Nha) và Daewoo (Hàn Quốc).

Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, quá trình lựa chọn nhà thầu sẽ mất khoảng 1 năm. Sau đó, hai bên sẽ ký hợp đồng sản xuất, lắp ráp. Sau đó, việc bàn giao chiếc tàu ngầm đầu tiên sẽ mất ít nhất 7 năm. Vì vậy, trên thực tế, dự án này sẽ kéo dài khoảng 10-12 năm.

Dự án P-75I của Ấn Độ sẽ đóng mới 6 tàu ngầm được trang bị cả tên lửa hành trình tấn công đối đất và động cơ đẩy không phụ thuộc (AIP) để có giới hạn hoạt động dưới nước lớn hơn.

Hải quân Ấn Độ đang chịu sức ép phải nâng cao năng lực tác chiến dưới nước trong bối cảnh đội tàu chiến đang xuống cấp và hết tuổi khai thác. Trong khi đó, các tàu chiến mặt nước và tàu ngầm của Trung Quốc xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn tại khu vực Ấn Độ Dương.

Trung Quốc hiện được cho là có lực lượng Hải quân lớn nhất thế giới với 350 tàu chiến các loại, gồm 50 tàu ngầm thông thường, 10 tàu ngầm hạt nhân.

Pakistan cũng đang có kế hoạch đặt mua 8 tàu ngầm diesel- điện lớp Yuan, được trang bị AIP; 4 tàu hộ tống tàng hình đa chức năng Type-054A cùng nhiều máy bay và vũ khí hải quân khác của Trung Quốc với tổng trị giá hơn 7 tỷ USD.

Về phía Ấn Độ, Hải quân nước này cho đến nay đã biên chế 3 trong số 6 tàu ngầm Scorpene của Pháp nằm trong dự án ‘Project-75’ trị giá hơn 3,2 tỷ USD. 3 tàu còn lại trong dự án này đang được triển khai lắp ráp tại xưởng đóng tàu Mazagon.

Đội tàu ngầm diesel-điện hiện tại của Ấn Độ gồm 12 chiếc đã khá lạc hậu. Chỉ một nửa trong số đó có thể đáp ứng yêu cầu tác chiến bất cứ thời điểm nào. Ấn Độ cũng đang sở hữu hai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên một chiếc lại không được trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân vì nằm trong hợp đồng thuê của Nga. Theo kế hoạch xây dựng lực lượng Hải quân, Ấn Độ cần phải sở hữu 18 tàu ngầm thông thường, 6 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và 4 tàu ngầm hạt nhân có trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân./.