Theo quy định của luật tố tụng, Hội đồng thẩm phán không có quyền phán quyết kháng nghị của Viện KSND Tối cao là đúng hay sai.
Ủy ban thường vụ, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đang xem xét
Sau khi Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tối cao xét xử giám đốc thẩm vụ án Giết người, cướp tài sản với bị án Hồ Duy Hải bác kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao và cho rằng “kháng nghị của VKSND tối cao trái quy định pháp luật”, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí vừa có báo cáo gửi cấp có thẩm quyền kiến nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm này.
Đồng thời, Viện KSND tối cao khẳng định "Quyết định kháng nghị của Viện trong vụ án Hồ Duy Hải là có căn cứ, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền và cần thiết".
Bàn về việc ai sẽ phân xử đúng, sai giữa Viện KSND tối cao và TAND tối cao trong vụ Hồ Duy Hải, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền cho rằng, trước ý kiến của một số đại biểu Quốc hội và Viện KSND tối cao, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội sẽ xem xét theo quy định của pháp luật.
“Trước đây, không có chuyện xem lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Về nguyên tắc, phán quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao là có hiệu lực thi hành. Nhưng trong trường hợp này, cần xem lại quy trình”, ông Xuyền nói.
Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền cho biết, đây là lần đầu tiên phán quyết của Hội đồng thẩm phán lại bị Viện KSND tối cao và đại biểu Quốc hội kiến nghị xem xét lại.
Ở đây cần nhấn mạnh rằng có sự tranh cãi về phán quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.
"Trong quy định của Luật Tố tụng hình sự, Hội đồng thẩm phán không có quyền phán quyết kháng nghị của Viện KSND tối cao là đúng pháp luật hay không. Có chăng chỉ xác định là có căn cứ hay không có căn cứ, từ đó có chấp thuận kháng nghị hay không mà thôi”, ông Xuyền phân tích.
Luật sư: "Không thể nói Viện Kiểm sát kháng nghị trái luật"
Còn Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, khi kiến nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, căn cứ vào điều 404 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền yêu cầu Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xem xét lại bản án đã tuyên.
Khi đó, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao phải ngồi lại lần nữa để xem xét vụ án.
Việc Hội đồng thẩm phán TAND tối cao phán quyết "kháng nghị của Viện KSND tối cao là trái quy định", theo luật sư Lực, là khó có thể chấp nhận được.
Bởi pháp luật trao cho Viện Kiểm sát quyền được kháng nghị cũng như là tòa án được quyền xét xử.
“Thế thì việc kháng nghị của Viện KSND tối cao là theo quy định pháp luật, không thể nói là trái pháp luật. Pháp luật chỉ cho phép Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận kháng nghị, chứ không trao cho tòa án quyền phán quyết quyết định kháng nghị đó có trái luật hay không”, luật sư Lực phân tích.
Theo luật sư Lực, trong hệ thống tố tụng hình sự, mỗi cơ quan có vai trò, chức năng khác nhau. Cơ quan điều tra có vai trò điều tra xác định người thực hiện hành vi và hành vi phạm tội, Viện Kiểm sát có vai trò công tố (buộc tội và gỡ tội) và kiểm sát hoạt động tố tụng tuân theo đúng quy định của tố tụng, Tòa án thực hiện việc áp các tội danh với hành vi phạm tội và cân nhắc mức án.
“Luật pháp cho phép tòa án bác yêu cầu kháng nghị của Viện Kiểm sát, còn Viện Kiểm sát có quyền đề đạt ý kiến, quan điểm của mình lên cơ quan có thẩm quyền như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải”, luật sư Lực nói.
"Cần giám sát tối cao về phán quyết trong vụ án Hồ Duy Hải"
Liên quan đến vụ việc này, đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Tư pháp cần vào cuộc trước những kiến nghị của đại biểu Quốc hội và Viện KSND tối cao.
“Cụ thể Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cần thành lập ra cơ quan để giám sát tối cao về những phán quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về vụ án Hồ Duy Hải”, ông Hòa nói.