Lịch sử sẽ chứng minh chưa bao giờ có một thất bại tình báo nào đối với Mỹ lớn hơn vụ Taliban tiếp quản Afghanistan. Những người phản đối có thể viện dẫn Trân Châu Cảng hoặc sự kiện 11/9, nhưng ít nhất, một số người ở Mỹ đã biết trước được hai cuộc tấn công đó dù không có hành động nào được thực hiện để ngăn chặn chúng cùng bất cứ lý do gì mà người ta muốn suy đoán.
Cuộc chiến tranh ở Iraq không được áp dụng trong bối cảnh này vì thông tin tình báo được cho là bịa đặt và chỉ được tung ra để định hướng truyền thông quốc tế ủng hộ chiến dịch được lên kế hoạch trước đó. Việc Taliban tiếp quản Afghanistan hoàn toàn khác với 3 ví dụ trên vì Cộng đồng Tình báo Mỹ không mảy may lường trước được viễn cảnh vừa xảy ra.
Đúng là một số người trong CIA và Bộ Ngoại giao đã cảnh báo về điều này trong mùa hè nhưng đã quá muộn để họ thay đổi bất cứ điều gì sau khi lực lượng quân sự khổng lồ của Mỹ bắt đầu rút quân. Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được từ góc độ chuyên môn bởi vì giới tinh hoa quân sự, tình báo và ngoại giao của Mỹ biết rằng đất nước của họ đã thua trong cuộc chiến từ lâu.
Bằng chứng về điều này là Nhật ký Chiến tranh Afghanistan của Wikileaks giai đoạn 2004-2010 và các tài liệu về Afghanistan mà Washington Post có được vào năm 2019 sau khi yêu cầu Đạo luật Tự do Thông tin. Cả hai đều cho thấy giới tinh hoa Mỹ đang nói dối về chiến tranh, nhận thức sâu sắc về nạn tham nhũng ở Afghanistan và bi quan về triển vọng của cuộc xung đột.
Những động thái này không có nghĩa là Taliban sẽ tiếp quản Afghanistan ngay trước khi Mỹ hoàn thành việc rút quân nhưng cho thấy, điều đó chắc chắn sẽ xảy ra, vấn đề chỉ là thời gian. Kịch bản đầy kịch tính này đã bị bỏ qua bởi giới tinh hoa vì họ tin rằng những lời nói dối của họ về cuộc chiến là vì lợi ích của công chúng.
Sau một thời gian, họ không thể phân định được đâu là thật giữa thật giả một cách khách quan. Họ biết những vấn đề của Quân đội Quốc gia Afghanistan (ANA) nhưng họ đã không đánh giá đúng mức độ mất tinh thần của quân đội, chưa kể sau khi Tổng thống Mỹ Biden cam kết hoàn thành kế hoạch rút quân của người tiền nhiệm, mặc dù mốc thời gian có kéo dài.
Một yếu tố chính khác mà họ bỏ qua là sự lôi cuốn của Taliban thực sự phổ biến và gia tăng nhanh chóng đối với những thường dân Afghanistan, đặc biệt là những người phục vụ trong ANA. Nhóm này đã thành công trong việc đổi tên thành phong trào giải phóng dân tộc mặc dù vẫn bị Nga và phần còn lại của cộng đồng quốc tế coi là những kẻ khủng bố.
Taliban dường như cũng có quan điểm mạnh mẽ chống lại tham nhũng, kết hợp nhiều tộc người thiểu số hơn vào hàng ngũ của mình (bao gồm cả những người lãnh đạo), và có thể xâm nhập vào phần lớn các lực lượng ANA.
Kết quả dẫn đến việc Mỹ đã vô tình huấn luyện những người có cảm tình với Taliban cách vận hành các thiết bị quân sự tối tân mà họ để lại sau khi rút quân. Đó là lý do tại sao rất nhiều người thuộc ANA đã đầu hàng ngay khi Taliban đến ngoại ô thành phố, đặc biệt là một số cứ điểm vững chắc nhất trở nên hoàn toàn mất tinh thần sau khi người bảo trợ nước ngoài của họ cắt đứt sự hỗ trợ đường không.
Do đó, chính phủ Ghani gần như chỉ là phù du và không bao giờ thực sự tồn tại trên thực tế ở bất kỳ đâu ngoài Kabul và chỉ một vài góc của một số ít thành phố lớn khác. Cựu Tổng thống Afganistan đã thách thức những người bảo trợ của mình bằng cách từ chối từ chức để tạo điều kiện cho chính phủ chuyển tiếp mà Mỹ mong đợi sẽ tạo ra để duy trì một số ảnh hưởng trước khi rút lui.
Mỹ dường như không có bất kỳ cách hữu hiệu nào khác để thu thập thông tin tình báo về Taliban.
Taliban không dựa vào công nghệ thông tin-liên lạc hiện đại như hầu hết các cơ quan tình báo khác trên thế giới. Do đó, NSA không thể chặn và phân tích các thông điệp của họ, điều này dẫn đến việc Mỹ phụ thuộc không cân đối vào nguồn tin tình báo của con người, hầu hết trong số họ có khả năng là những người cảm tình với Taliban, nếu không nói là các đặc vụ bí mật của Taliban.
Trong suốt thời gian qua, Taliban đã qua mặt Mỹ, và cuối cùng đã biến chiến dịch giải phóng kéo dài hai tuần gần như không đổ máu và chưa từng có trong lịch sử, trở thành một thành công trọn vẹn. Điểm mấu chốt là sự vượt trội về công nghệ của Mỹ đã không thể phát huy tác dụng trong chiến tranh Afghanistan và nguồn nhân lực cung cấp thông tin tình báo cho người Mỹ rất kém tin cậy.
Hệ tư tưởng có thể nói là yếu tố quyết định quan trọng nhất trong cuộc xung đột này. Hệ tư tưởng của Taliban đã thu hút đủ người Afghanistan vào hàng ngũ của mình để họ đạt được ưu thế về tình báo theo thời gian, trong khi hệ tư tưởng tự do-dân chủ của Mỹ cố thuyết phục rằng không có cách nào cường quốc số 1 thế giới có thể thực sự thất bại. Nếu Mỹ giải quyết đúng đắn hai yếu tố này, thì kết cục của cuộc chiến đã có thể khác./.