Niềm vui công dân mới

Cầm trên tay quyết định công nhận là công dân Việt Nam, anh Thò Bá Lỳ, SN 1992, hiện trú tại bản Huồi Mới 1, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong không giấu nổi vui mừng, bởi cuối cùng anh đã được quê hương thứ 2 đón nhận. Vốn là người ở tỉnh Sầm Nưa (Lào) bén duyên với cô gái Mông Lỳ Y Tổng nên Thò Bá Lỳ sang Việt Nam ở rể và coi quê vợ như quê hương thứ 2.

Đôi vợ chồng trẻ đã có 3 mặt con và hạnh phúc càng tròn đầy hơn khi tháng 9/2021, Thò Bá Lỳ được nhận quyết định công nhận là công dân Việt Nam.

1-1637196499.jpg
Sở Tư pháp phối hợp với UBND huyện Quế Phong tổ chức trao quyết định nhập quốc tịch cho 10 công dân Lào cư trú tại địa bàn xã Tri Lễ và Thông Thụ ( Quế Phong). Ảnh: Thúy Hằng

Cũng giống như ông bố trẻ Thò Bá Lỳ, bà Sồng Y Trự, SN 1948 quê ở tỉnh Hủa Phăn (Lào) đã theo chồng là ông Thò Xái Tu về Việt Nam sinh sống mấy chục năm, nhưng vì vẫn chưa được nhập quốc tịch nên đôi lúc bà không tránh khỏi cảm giác tủi thân, lạc lõng. Nhất là cách đây 2 năm, chồng bà Trự mất vì bệnh tật, hiện bà đang sinh sống với gia đình người con trai thứ ở ngôi nhà ngay đầu con dốc vào bản Pả Khốm, xã Tri Lễ. Ở cái tuổi gần đất xa trời, nay nhận được quyết định nhập quốc tịch Việt Nam, bà mừng lắm.

Vui sướng, phấn khởi, xúc động là cảm xúc chung của 74 cô dâu, chàng rể Lào thuộc nhiều độ tuổi đang cư trú tại các xã biên giới  thuộc huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong khi được trao quyết định công nhận là những công dân Việt Nam chính thức trong năm 2021. Bởi sau bao nhiêu năm theo chồng về làm dâu, theo vợ về ở rể, cuối cùng họ cũng thỏa ước nguyện “một mái nhà chung quốc tịch”.

2-1637196536.jpg
Phụ nữ Lào lấy chồng Việt vui mừng đi làm thủ tục nhập quốc tịch. Ảnh tư liệu: KL

Là tỉnh có đường biên giới dài 468,281 km, tiếp giáp 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bolykhămxay của nước bạn Lào. Bởi vậy, chuyện những chàng trai, cô gái của đất nước Chăm Pa, đất nước Tiên Rồng bén duyên, về ở với nhau, hình thành những mái nhà hai quốc tịch tại các bản làng sát hai bên biên giới vẫn thường xảy ra.

Hầu hết cư dân Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú đang sinh sống ở các xã biên giới đều đã có cuộc sống ổn định, có nhà ở, đất canh tác tại nơi cư trú. Tuy nhiên hầu hết chưa được nhập quốc tịch Việt Nam, chưa được đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, giấy tờ tùy thân... Thực trạng này không những làm cho cuộc sống người di cư gặp khó khăn mà còn phát sinh nhiều vấn đề phức tạp cho công tác quản lý dân cư tại khu vực biên giới.

Thế nhưng từ năm 2019 trở lại đây, nhiều công dân Lào đang sinh sống, cư trú tại các huyện biên giới Nghệ An đã được chính phủ hai nước Việt Nam - Lào, tạo điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam để ổn định cuộc sống. Với họ đó là “niềm hạnh phúc không gì sánh bằng”.

Đảm bảo quyền lợi cho công dân

Xác định việc nhập quốc tịch cho người dân theo Thỏa thuận giữa hai chính phủ Việt Nam - Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú khu vực biên giới là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các ngành chức năng, tổ chuyên viên liên hợp của tỉnh và các huyện có người Lào cư trú là Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông tập trung đẩy nhanh công tác hướng dẫn các thủ tục nhập quốc tịch và hộ tịch cho người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú theo danh sách được phê duyệt.

Đồng thời phối hợp với các đồn biên phòng đóng trên địa bàn thực hiện công tác tuyên truyền, vận động để người dân nắm bắt đầy đủ các quyền lợi được hưởng như nhập quốc tịch Việt Nam, đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh...

3-1637196577.jpg
Cán bộ Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) và Sở Tư pháp Nghệ An hướng dẫn những cô dâu Lào kê khai hồ sơ, làm thủ tục nhập quốc tịch. Ảnh tư liệu: KL

Việc tổ chức trao quyết định công nhận quốc tịch cũng được thực hiện trang trọng, ý nghĩa. Tại huyện Quế Phong, vào ngày 28/9/2021, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp Nghệ An phối hợp với UBND tỉnh huyện Quế Phong tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với những người di cư tự do và kết hôn không giá thú trên địa bàn huyện.

Trong 10 công dân Lào sinh sống ở Quế Phong được trao Quyết định nhập Quốc tịch Việt Nam đợt này có 2 người Thái ở xã Thông Thụ và 8 người Mông cư trú tại địa bàn huyện Tri Lễ.
Lãnh đạo UBND huyện Quế Phong cho biết: Quế Phong có địa bàn rộng nên khó khăn cho việc xác minh, tuy vậy với sự cố gắng của địa phương trong thời gian qua đã có 37 người Lào lấy vợ, lấy chồng cư trú tại Quế Phong đã được trao Quyết định nhập quốc tịch. Huyện cũng đã chỉ đạo cho các phòng liên quan hướng dẫn người dân làm các thủ tục để được hưởng các chế độ chính sách theo đúng quy định của pháp luật.

Phát biểu tại buổi lễ trao quyết định, lãnh đạo huyện Quế Phong bày tỏ mong muốn: Sau khi nhập quốc tịch nước CHXHCN Việt Nam, người dân yên tâm lao động sản xuất, chấp hành Chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và cùng tham gia bảo vệ biên giới Quốc gia.

8-1637196611.jpg
Lãnh đạo Sở Tư Pháp trao quyết định nhập Quốc tịch Việt Nam cho công dân Lào cư trú trên địa bàn huyện Kỳ Sơn trong năm 2021. Ảnh: G.H

Còn tại huyện Kỳ Sơn, đợt này có 51 trường hợp được trao quyết định nhập quốc tịch theo danh sách phê duyệt của Trưởng đoàn đại biểu biên giới Việt Nam. Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Trưởng phòng Tư pháp huyện cho hay: Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên Sở Tư pháp phối hợp với huyện tổ chức trao trực tiếp cho  28 trường hợp tại xã Mỹ Lý, số còn lại chỉ đạo UBND xã chủ động tổ chức trao cho công dân cư trú trên địa bàn, có phòng tư pháp huyện về dự.

Tại xã Đoọc Mạy, có 2 trường hợp nữ người Lào đang cư trú trên địa bàn nằm trong danh sách được cho nhập quốc tịch là chị Lầu Y Xử, SN 1964 ở bản Huồi Viêng và Vừ Y Lù, SN 1961 ở bản Phà Nọi. Tuy chỉ có 2 người nhưng ngày 12/10/2021, UBND xã Đoọ̣c Mạy đã tổ chức lễ trao quyết định của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam về việc nhập quốc tịch cho 2 chị Y Xử và Y Lù một cách trang trọng, xúc động tại hội trường của UBND xã. Các công dân mới đã bày tỏ lòng trân trọng và biết ơn Đảng, nhà nước Việt Nam nói chung, cấp ủy, chính quyền tỉnh Nghệ An nói riêng.

9-1637196639.jpg
Chính quyền xã Đoọc mạy ( Kỳ Sơn) tổ chức lễ trao quốc tịch cho hai phụ nữ Lào cư trú trên địa bàn.Ảnh: CSCC

Theo ông Nguyễn Công Hoan - Phó Giám đốc Sở Tư Pháp Nghệ An: Đợt 1 năm 2019, có 135/172 trường hợp đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo Thỏa thuận và trong năm 2019, tại TP. Vinh, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị công bố và trao quyết định của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về việc cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 70 trường hợp người Lào cư trú trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, còn các trường hợp trú ở Quế Phong và Tương Dương thì Sở Tư pháp thành lập đoàn phối hợp với UBND các huyện tổ chức trao tại địa phương.

10-1637196675.jpg
Đại diện lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An và Bôlykhămxay (Lào) kí biên bản trao đổi thống nhất giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú vùng biên giới. Ảnh tư liệu: Khánh Ly

Năm 2020 do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên chưa tổ chức trao, sang năm 2021 Sở Tư pháp đã phối hợp với các địa phương tổ chức trao quyết định nhập quốc tịch cho 74 trường hợp trong đó huyện Kỳ Sơn có 51 trường hợp, Quế Phong 10 trường hợp, Tương Dương 13 trường hợp. Tùy theo tình hình diễn biến dịch bệnh mà Sở đã thành lập đoàn trao tổ chức lễ công bố và trao quyết định trực tiếp ở huyện, ở xã hoặc giao cho địa phương tự tổ chức  nhưng đều đảm bảo thực hiện theo nghi thức trang trọng, ý nghĩa.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành chức năng khẩn trương hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ công dân mới được nhập quốc tịch thực hiện các thủ tục về đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân... đồng thời triển khai thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách theo quy định của nhà nước dành cho bà con, đảm bảo các quyền công dân được thực hiện đầy đủ.

11-1637196708.jpg
Ngành chức năng trao quyết định nhập Quốc tịch của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cho công dân Lào cư trú trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Ảnh: G.H

Việc thực hiện nhập quốc tịch cho công dân Lào đang cư trú tại các xã biên giới, là việc làm nhân văn tạo điều kiện cho người dân di cư tự do và kết hôn không giá thú ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng nơi cư trú.

Qua đó, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa 2 nước Việt Nam- Lào và các tỉnh biên giới của Lào với các huyện biên giới của Nghệ An. Đồng thời, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về dân cư vùng biên giới ngày càng chặt chẽ; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng./.