Những cá thể hổ đang được chăm sóc tại Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) là tang vật trong vụ án vận chuyển động vật hoang dã được Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An triệt phá vào tháng 8/2021.
Cách đây gần một tháng, 7 cá thể hổ này đã được VQG Pù Mát bàn giao cho VQG Phong Nha - Kẻ Bàng để chăm sóc, nuôi dưỡng lâu dài. Sau khi tiếp nhận và chăm sóc, đến nay 7 cá thể hổ tại Phong Nha - Kẻ Bàng đang phát triển tốt cũng như thích nghi dần với môi trường mới.
Là người trực tiếp cùng các cán bộ, chuyên gia chăm sóc 7 cá thể hổ, anh Hoàng Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Cứu hộ động vật, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, để đảm bảo sức khỏe cho hổ, từ thời điểm tiếp nhận đến nay, luôn có 4 người thay phiên nhau chăm sóc và túc trực theo dõi 24/24h. Trong đó, 3 người thuộc trung tâm và một chuyên gia của tổ chức động vật Châu Á (AAF).
"Mỗi ngày hổ được ăn 2 lần sáng và chiều, buổi sáng thì có thịt bò, xương bò và thịt thỏ được chia xen kẽ nhau giữa các bữa, còn chiều thì cho ăn thịt gà. Thời gian này, chúng tôi đang áp dụng khẩu phần ăn cho hổ như ở VQG Pù Mát để đảm bảo sức khỏe", anh Hùng cho hay.
Về chuồng trại nuôi hổ tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, ngay từ đầu, đơn vị này cũng đã chọn khu vực nuôi nhốt hổ nằm ở giữa rừng nguyên sinh, ít người qua lại. Khác với mô hình chuồng được xây bằng tường kín như ở VQG Pù Mát, chuồng ở Phong Nha - Kẻ Bàng được xây có không gian mở để hổ thích nghi dần với môi trường rừng núi xung quanh.
Ngoài ra, các chuyên gia của tổ chức AAF cũng đang lên phương án làm giàu môi trường cho hổ trong chuồng trại như: Cho hổ làm quen với một số lá cây rừng, đưa thêm một số cành, nhánh cây vào cho hổ bớt nhàm chán, căng thẳng cũng như quen dần với núi rừng.
Trao đổi với Dân trí, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, đơn vị đã xây dựng rất kỹ quy trình, kỹ thuật cứu hộ hổ, khẩu phần thức ăn cho hổ, bảo đảm phù hợp với tập tính sinh thái theo từng giai đoạn sinh trưởng.
Về lâu dài, phía Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cũng đang lên kế hoạch, xin ý kiến của UBND tỉnh Quảng Bình về việc nghiên cứu vị trí xây dựng khu bảo tồn cho 7 cá thể hổ nói trên. Dự kiến, diện tích trung bình khoảng 300 m2/cá thể hổ, qua đó đưa hổ về với môi trường bán tự nhiên chứ không còn bị nuôi nhốt như hiện tại./.