a-1657205458.jpg
b-1657205502.jpg
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Chính phủ đã đảm bảo thực hiện theo đúng tinh thần nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù khối lượng công việc nhiều, trong đó có nhiều nhiệm vụ đột xuất nhưng hoạt động chỉ đạo, điều hành của Ngành luôn được đảm bảo liên tục, thông suốt, đã kịp thời triển khai và cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ đạo của cấp trên trong công tác, phấn đấu hoàn thành mục tiêu thực hiện đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Trong công tác thanh tra, Ngành đã khẩn trương tổ chức thực hiện định hướng chương trình thanh tra năm 2022 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; linh hoạt thực hiện Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022 đảm bảo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; kịp thời triển khai các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, ngành đã tập trung thực hiện cuộc thanh tra chuyên đề về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc…

Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ngành đã tập trung đôn đốc rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng, phức tạp, kéo dài  góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ các sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước.

Công tác phòng chống tham nhũng đã triển khai nhiều nhiệm vụ theo Luật Phòng, chống tham nhũng 2018. Số vụ việc có dấu hiệu tội phạm phát hiện qua hoạt động thanh tra tăng 31 vụ, 26 đối tượng so với cùng kỳ năm 2021…

Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 4.257 cuộc thanh tra hành chính và 77.770 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chính quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực, phát hiện vi phạm về kinh tế 25.022 tỷ đồng, 9.623 ha đất; trong đó, kiến nghị thu hồi 10.268 tỷ đồng và 134 ha đất. Toàn ngành Thanh tra cũng đã ban hành 57.154 quyết định xử phạt hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 4.243 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 1.682 tập thể và 2.676 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 163 vụ, 89 đối tượng.

Tại tỉnh Nghệ An, trong 6 tháng qua, công tác thanh tra được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra sai phạm. Các kết luận thanh tra ngoài việc kiến nghị xử lý về số tiền sai phạm còn chú trọng kiến nghị các hình thức xử lý đối với cá nhân có hành vi sai phạm.

Cùng với đó, việc gắn công tác thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng trong việc thực hiện Luật Thanh tra, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng với thanh tra công vụ đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong thực thi nhiệm vụ công vụ. Qua đó kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, khuyết điểm trong việc quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ công vụ cũng như thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết KNTC, PCTN  tại địa phương, đơn vị được thanh tra, hạn chế được thái độ hạch sách, nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, hạn chế đơn thư.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành tỉnh Nghệ An có 171 kết luận thanh tra phải thực hiện (kể cả chuyển tiếp); trong đó có 138 kết luận đã hoàn thành việc thực hiện và 33 kết luận đang trong thời gian thực hiện. Qua việc thực hiện các kết luận thanh tra, đã thu hồi được 14.549.000.000/19.676.000.000 đồng; xử lý khác 14.442.000.000 đồng và 2.328m2; xử lý hành chính 39 tổ chức và 164 cá nhân có sai phạm; chuyển cơ quan điều tra 2 vụ việc.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Đoàn Hồng Phong – Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu toàn ngành Thanh tra tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, Chương trình công tác của ngành, đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ đột xuất được giao.

Hoàn thành việc chấm điểm đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ với các cơ quan liên quan trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về các vụ việc tham nhũng. Tiếp tục đôn đốc, giám sát, đánh giá kết quả việc thực hiện Chỉ thị số 10 ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc của các bộ, ngành, địa phương.

Chủ động trong việc nắm tình hình khiếu nại, tố cáo trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là ở những địa phương đang có hoặc tiềm ẩn xảy ra vụ việc đông người, phức tạp để chủ động đôn đốc, phối hợp với địa phương giải quyết, xử lý; giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền…/.