Ông Đặng Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết như trên tại cuộc họp báo thông tin về một số nội dung quan trọng của Phiên họp thứ 25 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chiều 1/2.

Kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý

Trong năm 2023, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng.Nhất là nhiều sai phạm, vụ việc phức tạp, tồn đọng từ nhiều năm trước được kiểm tra, xử lý dứt điểm.

io-1707024665.jpg
Ông Đặng Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu thông tin về Phiên họp thứ 25 của Ban Chỉ đạo

Trong năm, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, 24.162 đảng; trong đó, thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm.

Điểm nổi bật được Ban Chỉ đạo đánh giá, đó là đã đề cao, khuyến khích cán bộ nghiêm khắc nhận trách nhiệm chính trị, tự nguyện từ chức, nghỉ công tác khi có sai phạm, khuyết điểm hoặc để cán bộ cấp dưới, tổ chức đảng vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng phải xử lý kỷ luật; kịp thời thay thế, bố trí công tác khác đối với cán bộ bị kỷ luật, uy tín thấp.

Trong năm qua, Đảng, Nhà nước đã xem xét, cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 9 cán bộ diện Trung ương quản lý; các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác hơn 360 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có hơn 90 cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt lớn, nghiêm trọng, phức tạp được khởi tố, điều tra xử lý bài bản, thận trọng, nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Trong năm các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố 4.523 vụ, 9.373 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó án tham nhũng khởi tố mới 899 vụ với 2.446 bị can. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 13 vụ án với 54 bị can, khởi tố bổ sung 252 bị can trong 26 vụ án...

Báo cáo cũng chỉ rõ đã khởi tố mới, mở rộng điều tra nhiều vụ án tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, cả trong khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước, trong lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, cả vụ việc tồn đọng, kéo dài như vụ Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, vụ đăng kiểm, AIC, FLC, Tân Hoàng Minh...; kịp thời đưa ra xét xử các vụ án trọng điểm theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, trong năm, các ban chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa hơn 260 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi. Chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương khởi tố mới 839 vụ án với 2.276 bị can về tham nhũng. Nhiều địa phương đã khởi tố cả cán bộ diện trung ương, tỉnh ủy, thành ủy quản lý, trong đó có cả nguyên Bí thư tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch tỉnh, Phó chủ tịch tỉnh...

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực; giám định, định giá tài sản; phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, xử lý nguồn tin về tội phạm tham nhũng, tiêu cực là những khâu yếu trước đây nay đã được tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo nhiều chuyển biến tích cực.

Nổi bật là, đã động viên, khuyến khích các đối tượng tự nguyện nộp lại tài sản chiếm đoạt, gây thiệt hại, có vụ án đã thu hồi được 100% tài sản bị chiếm đoạt, với số tiền rất lớn như vụ Tân Hoàng Minh đã thu hồi trên 8.600 tỷ đồng (đạt 100%); vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan, các đốitượng đã nộp lại hơn 200 tỷ đồng và 1,85 triệu USD (đạt trên 90%)...). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã thu hồi được 76,2 nghìn tỷ đồng…

Tập trung điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ Vạn Thịnh Phát, FLC

Về nhiệm vụ thời gian tới, ông Đặng Văn Dũng nhấn mạnh ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo. Đó là, không được chủ quan, thỏa mãn; phải tiếp tục đẩy mạnh cả các giải pháp phòng và chống tham nhũng, tiêu cực một cách kiên quyết, kiên trì, với 6 hơn là: Quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, chặt chẽ hơn, đồng bộ hơn, hiệu quả hơn và với tinh thần “năm nay phải tốt hơn năm trước”;

Trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân.

Chỉ đạo chấn chỉnh, đấu tranh với “bệnh sợ trách nhiệm”, tư tưởng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC. Trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; về bảo vệ người tố cáo, cung cấp thông tin về tham nhũng, tiêu cực; về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; về xử lý tài sản liên quan đến vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử; về thanh toán không dùng tiền mặt;...

Thực hiện hiệu quả các Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác cán bộ; trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và trong công tác xây dựng pháp luật, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Chỉ đạo tăng cường, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; khẩn trương hoàn thành kiểm tra, thanh tra các chuyên đề, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, nhất là khẩn trương kết luận, xử lý dứt điểm các sai phạm liên quan đến Công ty Việt Á, Công ty AIC, tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB.

Tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra, xử lý 34 vụ án, 10 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Tập trung điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm các vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm và các trung tâm đăng kiểm địa phương, vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, FLC, Tân Hoàng Minh...Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đã quyết định đưa 2 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Cụ thể là vụ án vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, buôn lậu xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thái Dương, Công ty CP Đất hiếm Việt Nam và các đơn vị liên quan và vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bộ Công Thương và các địa phương.