1-1642334591.jpg
Tòa nhà hiệu bộ Trường Đại học Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Tuấn.

Lãnh đạo và nhân viên cùng khóc

Cuối năm, nhiều cơ quan, đơn vị thông báo thưởng Tết, chi lương tháng 13… cho cán bộ, nhân viên nên hầu hết vui tươi, phấn khởi nhưng tại Trường Đại học Hà Tĩnh, hàng chục người lo âu, buồn phiền, rơi nước mắt vì thông báo của Ban Giám hiệu về việc sắp chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 50 nhân sự.

Một giáo viên buồn bã chia sẻ rằng, hôm nhà trường tổ chức họp thông báo, để gọi là làm “công tác tư tưởng” trước với số nhân viên sắp phải nghỉ việc, nhiều người đã khóc nức nở. Bởi, trong số đó nhiều người đã gắn bó, làm việc tại trường hơn chục năm nay; xót xa hơn, một số rơi vào trường hợp cả cặp vợ chồng cùng sắp mất việc tại trường.

“Mất việc, không có thu nhập sẽ làm xáo trộn, thậm chí lung lay cuộc sống, hạnh phúc của nhiều gia đình chứ không đơn giản đâu” - giáo viên này thở dài, chia sẻ.

Ngày 14.1, ông Đoàn Hoài Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh khẳng định, đúng là có việc nhà trường sắp chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 50 nhân sự, trong đó phần lớn là bộ phận nhân viên hành chính, một số ít làm chuyên môn giảng dạy.

2-1642334611.jpg
Lượng sinh viên theo học tại Đại học Hà Tĩnh cũng khá thấp. Ảnh: Trần Tuấn.

“Phải chấm dứt hợp đồng với nhiều người như vậy, tôi cũng trăn trở và buồn lắm. Hôm thông báo sự việc, cả Ban Giám hiệu lẫn nhân viên đều khóc” - ông Sơn chia sẻ và cho hay, lẽ ra đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng rồi, nhưng hiện đang để những người đó ăn Tết xong đã, sau Tết sẽ phải làm.

"Buộc phải làm"

Dẫn ra nhiều văn bản của Chính phủ, của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh khẳng định, việc chấm dứt hợp đồng với khoảng 50 nhân viên của trường sắp tới là việc buộc phải làm, mà lẽ ra đã làm từ mấy năm trước. Bởi hiện nay tại Hà Tĩnh, gần như chỉ còn Trường Đại học Hà Tĩnh là đơn vị sự nghiệp công lập chậm xử lý tồn tại về nhân sự hợp đồng trái quy định này nhất, các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn đã làm xong rồi.

Theo ông Sơn, trong số khoảng 50 hợp đồng lao động sắp phải chấm dứt, phần lớn được ký từ năm 2015 trở về trước, tức là thời của ông Nguyễn Văn Đính làm hiệu trưởng. Từ năm 2016, khi ông Nguyễn Đình Thọ làm hiệu trưởng thay ông Đính về hưu cũng có ký một số hợp đồng. Ông Sơn khẳng định bản thân mình nhận nhiệm vụ quyền hiệu trưởng từ năm 2018, rồi hiệu trưởng từ năm 2020 đến nay không ký một hợp đồng nhân sự nào.

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh, từ ngày 22.4.2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản  chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 07 ngày 19.3.2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phòng chống tiêu cực trong quản lý công chức, viên chức và thi đua khen thưởng.

Trong đó nêu rõ “Đối với đơn vị sự nghiệp chỉ hợp đồng có thời hạn đối với những vị trí thực sự cần thiết, có chỉ tiêu nhưng chưa tuyển dụng, việc hợp đồng phải được thực hiện công khai, dân chủ và thể hiện bằng quy chế; Chấm dứt hợp đồng với những vị trí đã tuyển dụng đủ chỉ tiêu biên chế. Xử lý dứt điểm việc để viên chức trong danh sách quỹ tiền lương nhưng không làm việc”.

3-1642334642.jpg
Văn bản năm 2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 07 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Trần Tuấn.

Ngày 21.3.2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng có Chỉ thị 07 về việc chấn chỉnh hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, phải “Chấm dứt các hợp đồng làm việc không qua tuyển dụng trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và hợp đồng trái quy định trong đơn vị sự nghiệp công lập”.

Ông Sơn cho biết thêm, năm 2022, Trường Đại học Hà Tĩnh được tỉnh cho 262 chỉ tiêu biên chế. Cũng trong năm này, tỉnh giao phải chuyển 93 biên chế hưởng lương từ ngân sách sang biên chế tự chủ.

Về hoạt động tuyển sinh của trường, năm học 2021 - 2022 tuyển được gần 1.000 sinh viên, trong khi giai đoạn 2016 - 2021 bình quân mỗi năm chỉ tuyển được 400 - 500 sinh viên. Tổng số học sinh mầm non, tiểu học, THCS, THPT đang theo học tại Trường Đại học Hà Tĩnh hiện khoảng 1.000 em và có tăng nhẹ hàng năm.