Theo thống kê của Sở TN&MT Hà Tĩnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 50 mỏ khoáng sản đã hết thời hạn khai thác nhưng chưa thực hiện hồ sơ, thủ tục đóng cửa mỏ. Dù Sở đã phát văn bản đôn đốc, yêu cầu, tổ chức kiểm tra nhưng nhiều đơn vị vẫn không triển khai thực hiện.
Qua rà soát thì nhiều doanh nghiệp đã chấm dứt hoạt động nhưng chưa giải thể, phá sản; không liên hệ được với người đại diện theo pháp luật của công ty. Mặt khác, chưa có quy định cụ thể về quy trình đấu thầu thực hiện việc đóng cửa mỏ nên chưa xử lý dứt điểm được vấn đề này.
Mỏ đất san lấp ở xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn sau khi hết thời hạn khai thác chưa được phục hồi môi trường.
Để đảm bảo hoàn thành công tác đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường, đất đai sau khai thác, Sở TN&MT Hà Tĩnh đang đề xuất với UBND tỉnh xem xét, thống nhất một số giải pháp thực hiện.
Theo đó, đối với các mỏ chưa hoạt động khai thác, đang còn nguyên trạng hoặc các mỏ đã khai thác nhưng để lại bờ moong ổn định, an toàn, khu vực khai thác đã được trồng cây phục hồi môi trường thì đóng cửa mỏ mà không phải lập đề án đóng cửa mỏ theo quy định.
Các mỏ có số tiền ký quỹ lớn (đủ chi phí để thuê đơn vị tư vấn lập đề án, thi công đề án đóng cửa mỏ), hiện trạng mỏ chưa đảm bảo an toàn, chưa cải tạo, phục hồi môi trường, thì lựa chọn, chỉ định đơn vị khác để thay thế thực hiện hồ sơ, thủ tục đóng cửa mỏ. Kinh phí thực hiện được lấy từ tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường của đơn vị được cấp phép trước đây đã ký.
Các mỏ có số tiền ký quỹ thấp (không đủ chi phí thuê đơn vị tư vấn lập đề án, thi công đề án đóng cửa mỏ) mà hiện trạng mỏ chưa đảm bảo an toàn, chưa cải tạo, phục hồi môi trường thì cho kiểm tra, rà soát, khái toán kinh phí để làm thủ tục, hồ sơ đóng cửa mỏ và đề xuất chủ trương cho bổ sung ngân sách tỉnh, tổ chức thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định. Việc lựa chọn đơn vị thay thế thực hiện hồ sơ, thủ tục đóng cửa mỏ thực hiện như nhóm 2./.