Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Quốc tế ở La Hay ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông, theo đó Bắc Kinh không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông, không có cơ sở pháp lý cho cái gọi là "đường 9 đoạn". Sau 5 năm, phán quyết này vẫn là dấu mốc quan trọng và là cơ sở hữu ích để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Tuy vậy, tình hình thực tế lại cho thấy nhiều vấn đề đáng lo ngại.
“Tôi rất sợ hãi”
Ông Randy Megu – một ngư dân 48 tuổi người Philippines cho biết, dù luôn sẵn sàng mạo hiểm đối mặt với những trận bão lớn để ra khơi nhưng thời gian gần đây, ông có một nỗi sợ hãi lớn hơn, đó là nhìn thấy tàu hải cảnh của Trung Quốc trên biển.
5 năm sau phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Randy Megu phàn nàn rằng các cuộc đụng độ với tàu thuyền Trung Quốc diễn ra thường xuyên hơn bao giờ hết.
“Tôi rất sợ hãi”, Randy Megu mô tả việc một tàu Trung Quốc đã theo dõi con thuyền gỗ của ông suốt 3 giờ đồng hồ, ở khu vực cách bờ biển Philippines 140 hải lý (260km) hồi tháng 5 vừa qua.
Ông Randy Megu cho biết thêm, nhiều ngư dân khác đã báo cáo bị tàu Trung Quốc đâm hoặc xịt vòi rồng khi đánh bắt tại khu vực mà họ coi là ngư trường truyền thống. Đánh bắt an toàn tại khu vực này là điều mà họ mong muốn được đảm bảo sau phán quyết của tòa vào năm 2016.
Theo Chủ tịch Hiệp hội ngư dân Philippines Fernando Hicap, khoảng 627.000 ngư dân của nước này đã bị giảm nguồn thu nhập do các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. “5 năm qua thực sự là quãng thời gian thất vọng”, Fernando Hicap chia sẻ.
Trung Quốc ngày càng táo tợn hơn
Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài và tiếp tục theo đuổi chủ quyền phi pháp đối với hầu hết các vùng biển nằm trong cái gọi là “đường 9 đoạn” do nước này tự vẽ ra.
Hồi tháng 3 vừa qua, Philippines tố 200 tàu dân quân biển Trung Quốc neo đậu bất thường tại khu vực đá Ba Đầu (nằm tại cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam – ND). Mặc dù Bắc Kinh khẳng định đây là những tàu cá đang tìm chỗ trú ẩn do điều kiện thời tiết xấu song các chuyên gia quốc tế đã chỉ ra nhiều điểm vô lý trong lời giải thích này.
Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) cho biết, Trung Quốc bắt đầu gia tăng các cuộc tập trận ở Biển Đông với sự hiện diện của các nhóm tác chiến tàu sân bay từ năm 2020. Kết hợp giữa chiến thuật vùng xám và phô trương sức mạnh của lực lượng hải quân, Trung Quốc muốn chứng tỏ rằng nước này có đủ khả năng để thúc đẩy các yêu sách chủ quyền phi lý và thách thức phán quyết của Tòa Trọng tài.
Chuyên gia Greg Poling, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington nhận xét rằng: “Các dữ liệu rất rõ ràng”. Tàu hải cảnh và tàu dân quân biển Trung Quốc hiện diện tại Biển Đông nhiều hơn so với 5 năm trước, ông Greg Poling lưu ý.
Theo AMTI, Trung Quốc không chỉ muốn làm suy yếu luật pháp quốc tế mà còn tìm cách áp đặt luật lệ riêng của nước này tại Biển Đông. Vào tháng 2/2021, Bắc Kinh thông qua Luật Hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh thực hiện “tất cả các biện pháp cần thiết, trong đó có việc sử dụng vũ khí đối với tàu thuyền của nước ngoài khi cái gọi là "chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc" bị xâm phạm. Một số nhà phân tích nhận xét, động thái này trực tiếp phục vụ cho mục đích lớn hơn của Trung Quốc: hệ thống hóa và áp đặt các quy tắc của riêng nước này hòng làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.
Luật Hải cảnh của Trung Quốc đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Nhật Bản và Philippines.
Một cuộc thăm dò dư luận vào tháng 7/2020 cho thấy, 70% người dân Philippines muốn chính phủ nước này theo đuổi lập trường cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông. Trong tuyên bố đưa ra vào tháng 6/2021, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin khẳng định: “Chúng tôi kiên quyết bác bỏ các nỗ lực nhằm làm suy yếu phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế cũng như xóa bỏ nói khỏi luật pháp, lịch sử của chúng tôi”.
Philippines đã trao 128 công hàm ngoại giao phản đối các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông kể từ năm 2016, triển khai lực lượng bảo vệ bờ biển và đội tàu cá thực hiện các hoạt động “tuần tra chủ quyền” trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Ít nhất 4 lần kể từ đầu năm đến nay, Manila thông báo đã thách thức và đẩy lùi tàu Trung Quốc tại vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền.
Hành vi gây hấn của Trung Quốc đã khiến Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr tăng cường tiếp xúc với các nước thành viên khác trong ASEAN nhằm đẩy nhanh việc đàm phán Bộ Quy Tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). COC được kỳ vọng là bộ quy tắc mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, từ đó đóng vai trò nền tảng trong việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông, thiết lập trật tự dựa trên luật pháp và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
“Những gì chúng tôi đang làm là củng cố thành công của chúng tôi trong vụ kiện Trung Quốc, đồng thời tập hợp một liên minh các quốc gia áp dụng phán quyết của Tòa Trọng tài”, Renato de Castro, nhà nghiên cứu tại Đại học De La Salle, Manila nêu rõ.
Tuy vậy, phản ứng của Philippines được giới phân tích nhận xét là chưa đủ quyết liệt. Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Rodrigo Duterte luôn theo đuổi chính sách thân thiện với Trung Quốc, coi đây là yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại và cho rằng việc cố gắng thách thức nước láng giềng là vô ích vì dễ dẫn đến “một cuộc xung đột” ngoài ý muốn. Sau khi một số thành viên trong nội các của ông chỉ trích mạnh mẽ hành vi của Trung Quốc hồi đầu năm nay, ông Duterte đã yêu cầu cấp dưới kiềm chế.
“Trung Quốc đang tăng cường sự kiểm soát. Điều duy nhất mà chính phủ Duterte có thể làm là không để xảy ra vụ việc lớn. Nếu bạn đầu hàng kẻ bắt nạt, tất nhiên sẽ không có cuộc chiến nào”, chuyên gia Poling nhấn mạnh.
Bắc Kinh đã gia tăng sự hiện diện trên khắp Biển Đông, tiếp tục bồi đắp các đảo nhân tạo, xây cảng, đường băng và bố trí tên lửa đất đối không một cách phi pháp. Nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam, Indonesia, Malaysia đã bày tỏ lập trường cứng rắn và lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hành vi của Trung Quốc. Hải quân Mỹ cùng các đồng minh như Anh, Pháp Đức, Australia, Nhật Bản cũng gia tăng các hoạt động tự do hàng hải hoặc tuyên bố sẽ hiện diện nhiều hơn nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, ông Duterte từng cam kết sẽ bảo vệ quyền lợi của nước này trên Biển Đông. Hiện tại khi nhiệm kỳ 6 năm của ông sắp kết thúc, chắc chắn sẽ có nhiều đánh giá về thành công và thất bại của nhà lãnh đạo này, bên cạnh đó là những cuộc tranh luận về việc ai sẽ là người kế nhiệm ông. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, sẽ khó có sự thay đổi trong chính sách của nước này với Bắc Kinh trong thời gian tới.
Ông Chester Cabalza - người sáng lập Tổ chức Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế (Manila) nhận định, chính sách đối ngoại của Tổng thống Philippines và mối lo ngại về tình hình trên Biển Đông đã khiến nhiều người Philippines bối rối. Chuyên gia này nhận định, những gì Philippines cần làm hiện nay là triển khai liên tục các biện pháp bảo đảm an ninh tại vùng biển của nước này và kết nối với các quốc gia khác trong khu vực và quốc tế để đẩy lùi hành vi của Trung Quốc./.