Cô Diên Thị An vốn là người gốc ở huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), vào những năm 1994 cô bắt đầu bước chân vào nghiệp giáo viên và lên công tác tại huyện miền núi Con Cuông cho đến bây giờ. Hiện tại, cô An là Hiệu trưởng của Trường mầm non Lục Dạ, huyện Con Cuông, Nghệ An.

Trong 26 năm gắn bó với nghề giáo, cô An có thời gian 10 năm làm công tác đứng lớp giảng dạy, 10 năm làm chức vụ Phó Hiệu trưởng và đang bước sang năm thứ 6 đảm nhiệm vai trò là Hiệu trưởng Trường mầm non Lục Dạ.

Chia sẻ về những kỷ niệm trong hành trình “cõng chữ lên non” từ những ngày đầu gian khó, cô An cho biết: “Tính từ khi tôi lên làm giáo viên cắm bản ở Con Cuông đến nay đã 26 năm, nên mỗi kỷ niệm tôi đã từng trải qua đều là những thứ khó quên trong đời. Giờ đây, mỗi khi nhắc lại, có nhiều câu chuyện khiến chính tôi cũng phải “cười ra nước mắt”.

Trước đây, khi giao thông đi lại còn chưa thuận tiện như bây giờ, có những lần đi dự giờ tại các điểm trường, dù mình lên kế hoạch từ rất sớm nhưng vì phải đi bộ nên khi vào đến điểm trường thì trời cũng vừa trưa, buổi học cũng vừa kết thúc.

Hoặc cũng cũng có lần đi được rất sớm, nhưng khi đến nơi thì thấy điểm trường bị trẻ con trong bản nghịch ngợm, châm lửa đốt cháy hết. Vì thời đó, trường chủ yếu được dựng tạm bợ bằng tranh tre, nứa lá. Những lúc như vậy, vừa mệt sau quảng đường đi dài, lại vừa ôm tâm trạng chán nản để quay về. Hôm sau, mọi người lại tiếp tục xuống để vận động bà con trong bản dựng lại trường mới cho các con”.

gdvn-co-ht-2376-1639791477.jpg
Cô Diên Thị An - Hiệu trưởng Trường mầm non Lục Dạ, Con Cuông (Nghệ An) vui mừng vì trường lớp giờ đã khang trang giúp các con có điều kiện học tập tốt hơn. Ảnh: Trung Dũng

Nhớ lại ký ức khi còn là cô giáo trẻ mới ra trường, Cô An kể: “Thời đó, khi tuổi còn đôi mươi chập chững bước vào nghề, những giáo viên trẻ tuổi, người miền xuôi như chúng tôi lên đây công tác gặp không ít vất vả. Người dân ở đây lại chủ yếu là dân tộc Thái và Đan Lai nên việc bất đồng về ngôn ngữ với họ cũng khiến chúng tôi gặp thêm nhiều trở ngại khác trong quá trình dạy học.

Trước đây, khi cuộc sống của đa phần người dân còn nhiều khó khăn, họ không coi trọng đến việc học tập của con cái họ như bây giờ, việc vào bản để vận động phụ huynh cho các con đến trường là chuyện thường như cơm bữa. Cũng từ đó, nhiều câu chuyện xảy đến cả bi lẫn hài, mà những giáo viên nữ cắm bản như chúng tôi không thể nào quên được.

Có hôm, sáng tinh mơ mình đến nhà để vận động phụ huynh đưa con đến trường. Miệng thì họ đồng ý cho con đi học, nhưng cả buổi sáng ấy phụ huynh của em đó cứ quanh quẩn cạnh lớp. Được một lúc, ngó nghiêng thấy cô giáo ra ngoài, họ lại vào để dắt con họ về. Khi cô giáo quay trở lại không thấy, mới tá hỏa đi tìm học sinh.

Ngày ấy, mỗi lớp học ở bản chỉ bố trí được một giáo viên đứng lớp, nên trong lúc mình quay ra đi tìm thì những cháu còn lại không thấy cô giáo đâu nên cũng rủ nhau quay về hết. Thành ra mỗi buổi học như vậy, những giáo viên như chúng tôi chỉ làm được mỗi công việc là ổn định và quy tụ các học sinh để các em không vắng mặt đã là khó lắm rồi, không có nhiều thời gian để dạy chữ cho các em.

Chuyện dạy học cho các con vất vả một, thì chuyện sinh hoạt của những giáo viên nữ như chúng tôi còn vất vả mười. Có những hôm, biết tôi và một cô nữa phải ở lại điểm trường qua đêm, trai bản gần đấy kéo đến chọc phá. Điểm trường khi ấy còn tạm bợ nên khi thanh niên trong làng đến trêu ghẹo, chúng tôi chỉ biết ôm chặt lấy nhau sợ hãi, họ có gọi cũng không dám trả lời.

6ad928339b71722f2b60-1639791499.jpg
Điểm trường Khe Mọi, xã Lục Dạ, Con Cuông nơi gắn với bao kỷ niệm "cười ra nước mắt" của cô An ngày nay đã khang trang, sạch đẹp hơn rất nhiều. Ảnh: Trung Dũng

Khi ấy đám thanh niên còn hù dọa, nếu mình không ra thì họ sẽ phá cửa để vào. Cuối cùng không phá được cửa, đám thanh niên lại lấy cành khô nhét vào ổ khóa, sáng hôm sau các cô chỉ ôm nhau khóc chứ không thể nào mở cửa ra được.

Tuy nhiên, cách nhét cây vào ổ khóa vẫn chưa khiến đám thanh niên hết được sự tinh nghịch của họ. Hôm sau, họ còn mang cả tấm ván gỗ lớn bắc qua bức vách của lớp học để trèo vào nói chuyện với chúng tôi. Dần dà, nhiều lần như thế chúng tôi cũng quen, thậm chí có cô giáo dưới xuôi còn xiêu lòng và bây giờ đã trở thành nàng dâu của trai bản”.

Một “tai nạn nghề nghiệp” khác trong hành trình “cõng chữ lên non” cũng được cô An chia sẻ thêm: “Khi mới lên đây, vì phong tục tập quán mình chưa nắm hết, có lúc vì thương học trò mà chúng tôi cũng đã tự đặt mình vào thế khó.

Có một lần đang dạy ở lớp, thấy một học sinh người đầy lấm lem, đầu tóc thì luộm thuộm, tôi và một giáo viên nữa quyết định đưa bạn ấy xuống suối để tắm và cắt tóc cho gọn gàng. Mình chỉ nghĩ đơn giản là làm vậy cho trẻ sạch sẽ hơn, ai ngờ sau khi phụ huynh xuống đón, thấy con mình bị cắt tóc thì họ làm ầm lên, rồi bắt giáo viên phải đền tóc cho con họ, rồi phải làm vía cắt tóc nữa.

Sau này tìm hiểu mới biết, tập tục của người dân trên này là khi cắt tóc cho con phải chọn ngày đẹp, trước khi cắt tóc cho con bắt buộc phải làm thủ tục và dâng lễ vật để cúng thần linh. Thậm chí, có gia đình khi con đi học họ cũng phải chọn giờ đẹp để đưa đi.

Ngoài ra, trước đây ở mỗi thôn bản sẽ dựng một lớp học chứ không quy thành cụm, điểm trường như bây giờ. Vì thế, để có đủ đồ dùng học tập cho các con, sáng nào mỗi giáo viên như tôi cũng phải cõng trên lưng một ba lô dụng cụ học tập đến trường để dạy học, chiều về lại phải cõng ngược trở về. Vì thời điểm đó, đồ dùng học tập với trẻ con trong bản còn là một thứ lạ lẫm, nếu mình không mang về thì sẽ bị các bạn lấy hết.

Giờ đây, khi điều kiện trường lớp nơi đây đã khang trang hơn, điều kiện sinh hoạt đã không còn vất vả như trước, nhưng với chúng tôi những câu chuyện đó đã trở thành những kỷ niệm. Chúng tôi cũng coi đó là động lực để mình có thể thêm quyết tâm để hành trình đưa con chữ đến với bà con dân bản sẽ mãi được nối dài”./.