Dữ liệu mới nhất do Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tính đến ngày 19/11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 10 triệu tỷ đồng, tăng 9,52% so với cuối năm 2020.
Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng tốt, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (NNNT) đạt trên 2,5 triệu tỷ đồng với hơn 14 triệu khách hàng, chiếm trên 25,11% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 10,21% so với cuối năm 2020 và tăng 34,5% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg (trong đó dư nợ cho vay trên địa bàn nông thôn đạt 1,92 triệu tỷ đồng, chiếm 76,5% tổng dư nợ NNNT).
Đặc biệt, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, toàn hệ thống có 78 TCTD tham gia cho vay với dư nợ chiếm 19,6% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Đề cập tại Hội thảo "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 2/12, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Kết quả cho vay trực tiếp phục vụ đời sống đến nay khoảng 2 triệu tỷ đồng trên dư nợ 10 triệu tỷ đồng của nền kinh tế là con số không nhỏ, tỷ trọng khá lớn. Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc, nhu cầu tín dụng phục vụ cho đời sống trực tiếp, thậm chí nhỏ lẻ đối với khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa và những người yếu thế vẫn cần tập trung hơn nữa.
Thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho nhiều tổ chức tham gia vào tín dụng tiêu dùng, trước hết là các ngân hàng thương mại, đặc biệt là vai trò chủ lực của các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, hệ thống tài chính vi mô, Quỹ Tín dụng Nhân dân có thể vào cuộc đồng bộ một cách tích cực hơn với cơ chế thông thoáng hơn, sử dụng những công nghệ hiện đại, đưa tín dụng những món nhỏ, không lớn nhưng người dân có thể dễ dàng tiếp cận được.
Phó Thống đốc cho biết, ngành ngân hàng sẽ phối kết hợp với Bộ Công an về việc sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để phục vụ trong việc xác định danh tính, định danh khách hàng chính xác, đánh giá nhân thân người vay, để các TCTD có thể đẩy mạnh, dễ dàng, chủ động hơn trong việc cho vay.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục coi đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng, hướng TCTD tập trung tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này, bằng nguồn vốn, sự thuận lợi, mạng lưới, sản phẩm dịch vụ hiện nay như vay lưu động, vay kết nối giữa người mua người bán hàng… để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thuận lợi với chính sách nhà nước, ngân hàng thương mại thể hiện trách nhiệm xã hội, người nghèo, người khó khăn tiếp cận được nguồn vốn và vẫn đảm bảo sự an toàn, lành mạnh trong hoạt động của các TCTD, tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại.
Phó Thống đốc cho biết thêm, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng chương trình hành động gắn với chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ, trên cơ sở đó, chính sách tiền tệ sẽ triển khai đồng bộ trên tất cả các mặt, về tiền tệ, thanh toán, lãi suất…
Để giải quyết được căn cơ vấn đề tín dụng đen theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, đời sống và dân trí của nhân dân cần được nâng cao. Đây sẽ là điều kiện để giải quyết tín dụng đen. Cùng với đó, hành lang pháp lý cần đồng bộ, rõ ràng, thể hiện sự thống nhất trong việc trấn áp, xử lý tội phạm, liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Đồng thời, xây dựng hệ thống tài chính toàn diện sẽ được triển khai một cách tích cực, rộng khắp và người dân là đối tượng thụ hưởng tích cực.
Còn về trước mắt, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng cần 3 giải pháp. Đó là làm cho người dân hiểu về tác hại, hậu quả của tín dụng đen để cảnh giác và đấu tranh… thông qua công tác truyền thông, giáo dục tài chính toàn diện; tiếp tục trấn áp, xử lý nghiêm những người tổ chức, bảo kê cho tín dụng đen, kể cả các tổ chức chính thức và phi chính thức; tăng cường các kênh tiếp cận vốn chính thức cho người dân, đây vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của chính các tổ chức tín dụng.
Tín dụng đen ngày càng phức tạp, tinh vi
Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho hay: Trong năm thứ hai thực hiện Chỉ thị 12 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, qua thống kê các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng đen, lực lượng Công an đã tiếp nhận, phát hiện: 1.047 vụ/1.718 đối tượng, đã khởi tố 554 vụ/990 bị can; xử phạt hành chính 375 vụ/593 đối tượng. Riêng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã phát hiện, tiếp nhận 539 vụ/884 đối tượng (51,48%) trong đó đã khởi tố 314 vụ/541 bị can; xử phạt hành chính 153 vụ/249 đối tượng.
Thẩm phán Nguyễn Đình Tiến, Phó Chánh Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân TP Hà Nội cho biết trong 2 năm từ 5/2019 đến 5 năm nay, tổng số vụ án hình sự đã thụ lý: 31 vụ án/89 bị cáo về tội "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015. Đã giải quyết: 28 vụ/ 75bị cáo, trong đó xét xử: 22 vụ/ 52 bị cáo; trả hồ sơ điều tra bổ sung: 2 vụ/ 9 bị cáo; còn tồn lại chưa giải quyết: 3 vụ/ 14 bị cáo. So với cùng thời điểm năm ngoái, số vụ án liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" thụ lý tăng khoảng 37,5% (năm trước thụ lý 16 vụ/49 bị cáo); kết quả giải quyết tăng 80% (năm trước giải quyết 10 vụ/ 25 bị cáo) nên số vụ tồn còn rất ít, chỉ chiếm khoảng 14 %.
Qua hoạt động kiểm sát điều tra, thực hành quyền công tố, ông Nguyễn Văn Tất, Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao) cho biết đối tượng vay thường là người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết. Nhưng cũng có đối tượng vay với mục đích sử dụng vào mục đích bất hợp pháp như đánh bạc, buôn lậu...
Việc không hiểu về cách tính lãi suất "lập lờ" của bên cho vay khiến cho con nợ rơi vào vòng xoáy "lãi mẹ đẻ lãi con", tiền lãi thậm chí gấp hàng trăm lần tiền vay gốc. Hoặc thông qua hợp đồng "giả cách", theo đó hai bên thiết lập hợp đồng mua bán tài sản, cho thuê tài sản, bán tài sản rồi thuê lại, mua hàng trả góp nhằm tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu người đi vay không trả được nợ, bên cho vay có thể dùng hợp đồng giả cách đó để tố cáo ngược tại cơ quan pháp luật./.