Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nhận định có 10 vấn đề chính mà Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cần tiếp tục giải trình, liên quan vụ việc bệnh nhân cải tạo phòng bệnh thành "động bay lắc" sử dụng, tàng trữ và buôn bán trái phép chất ma túy.
 
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế ngày 2/4 tiếp tục có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh vụ việc Nguyễn Xuân Quý, 38 tuổi, trú tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội cải tạo phòng bệnh thành "động bay lắc", sử dụng, tàng trữ và buôn bán trái phép chất ma túy.
 
Một lần nữa, ông Quang nhấn mạnh đây là vụ việc cực kỳ nghiêm trọng, "độc nhất vô nhị" và không thể chấp nhận được. Đặc biệt, để có thể hành động trót lọt, Quý đã có sự "hậu thuẫn" của một số nhân viên y tế trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
 
"Nếu nhân viên bệnh viện không bao che, làm ngơ thì đối tượng Quý không thể tự cải tạo phòng bệnh. Quý manh động, liều lĩnh và bất chấp pháp luật", ông Quang khẳng định.
 
Bộ Y tế đã quyết định tạm đình chỉ 3 chức danh tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, gồm bác sĩ Vương Văn Tịnh, Giám đốc BV; bác sĩ Đỗ Thị Lưu, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng và Y học Cổ truyền; và Tạ Thị Thêm, điều dưỡng trưởng Khoa Phục hồi chức năng và Y học Cổ truyền.
 
Bên cạnh đó, theo ông Quang, công ty bảo vệ do bệnh viện thuê cũng phải chịu trách nhiệm khi để bệnh nhân sử dụng, buôn bán trái phép ma tuý, "bay lắc" ngay trong phòng bệnh.
 

 
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế
 
Ông Quang cho biết, có 10 vấn đề chính mà bệnh viện cần tiếp tục giải trình, gồm:
 
1. Bản tường trình của BV nêu rõ "Nguyễn Xuân Quý thuộc đối tượng điều trị bắt buộc do cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì đưa đến vào ngày 7/11/2018". Theo quy định, Quý phải được điều trị tại một khu vực riêng, có người giám sát, theo dõi. Tuy nhiên, đối tượng lại được đưa vào Khoa Điều trị tự nguyện từ tháng 11/2018. Đến tháng 9/2019, lại được chuyển sang Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền. Nếu chuyển sang Khoa Phục hồi chức năng, nghĩa là tình hình bệnh đã ổn định và cải thiện.
 
Ngoài Quý, các bệnh nhân khác cũng thuộc diện điều trị bắt buộc lẽ ra phải được bố trí ở một khu vực riêng nhưng lại bị chia ra điều trị ở các khoa khác nhau. Điều này đã đặt ra vấn đề trong tổ chức việc điều trị đảm bảo an ninh trật tự ở BV.
 
2. Theo quy định của Bộ Y tế, người bệnh tự ý cải tạo, ngăn đôi phòng đã vi phạm quy chế quản lý tài sản công, vi phạm chế độ quản lý người bệnh, quy định đảm bảo an toàn, trật tự. Lãnh đạo BV phải báo cáo về việc này, tuy nhiên, từ Giám đốc đến Phó Giám đốc BV đều khẳng định "không biết". Và khi biết, lại không yêu cầu Quý tháo dỡ, do "phòng bệnh rộng".
 
3. Theo quy định của Bộ Y tế, trong quá trình điều trị không được để bệnh nhân rời khỏi khu điều trị. Khi đưa người bệnh đến khám hoặc thực hiện các hoạt động liệu pháp ở BV phải có nhân viên y tế đi kèm để giám sát. Tuy nhiên, bằng một cách nào đó, Quý lại có chìa khóa, ra vào khu điều trị một cách dễ dàng. Theo ông Quang, đây chính là "kẽ hở", tiếp tay cho tội phạm.
 
4. Theo quy định của Bộ Y tế, BV phải kiểm soát chặt chẽ giờ giấc, đối tượng vào thăm bệnh nhân. Nhưng, người đến thăm Quý lại ra vào nườm nượp, còn tổ chức "bay lắc", thậm chí có cả gái dịch vụ.
 
5. Vụ việc đặt câu hỏi liệu BV, Khoa, nhân viên y tế có nhận tiền hối lộ của Quý để bao che, bảo kê cho việc "bay lắc" hay không?
 
6. BV báo cáo rằng đầu tháng 2 Quý mới lập phòng "bay lắc". Tuy nhiên, ngay từ tháng 1/2021, Công an TP. Hà Nội đã lập chuyên án điều tra. Rõ ràng, việc tàng trữ, sử dụng ma tuý đã có từ trước đó. Do đó, Khoa Điều trị tự nguyện và Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền phải có trách nhiệm giải trình rõ vấn đề này.
 
7. BV phải xác định nhân viên y tế nào đã tiếp tay cho Quý (ngoài đối tượng Nguyễn Anh Vũ, kỹ thuật viên Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, đã bị bắt và khởi tố về hành vi "không tố giác tội phạm"). Đồng thời xác định trách nhiệm quản lý, giáo dục đạo đức nghề nghiệp, đạo đức cho viên chức, người lao động.
 

 
Nguyễn Xuân Quý tại cơ quan công an
 
8. Trong quá trình điều trị, khi thấy tình trạng bệnh của Quý thuyên giảm, BV đã không đề nghị giám định lại tâm thần cho đối tượng. Nếu Quý thực sự đã cải thiện, thì phải được trả về địa phương hoặc tiếp tục chịu trách nhiệm liên quan vụ án đã từng tham gia.
 
9. BV báo cáo rằng "đã thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật", "quy trình không sai", vậy tại sao vụ việc vẫn xảy ra? Qua vụ việc này, lãnh đạo BV có buông lỏng quản lý, đùn đẩy trách nhiệm không?
 
10. Vụ việc xảy ra từ ngày 20/3 (thời điểm Công an TP. Hà Nội bắt giữ Quý và kiểm tra khẩn cấp phòng bệnh của hắn), nhưng mãi đến ngày 31/3 khi báo chí phản ánh, Bộ trưởng Bộ Y tế gọi điện qua đường dây nóng của BV yêu cầu báo cáo, thì BV mới bắt đầu "vào cuộc". Việc này đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc hành chính trong quản lý Nhà nước.
 
Ông Quang yêu cầu BV sau khi làm rõ 10 vấn đề trên, phải có bằng chứng, báo cáo trung thực, khách quan, cung cấp cho cơ quan điều tra, sớm làm sáng tỏ vụ án. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ có các hình thức xử lý tiếp theo, đồng thời, chấn chỉnh, rút ra các bài học kinh nghiệm cho các bệnh viện khác trong ngành y tế./.