Đền Dinh đô quan Hoàng Mười tọa lạc vùng bên đê La Giang, tại ngã ba giao nhau giữa sông Minh (kênh nhà Lê), Sông La và Sông Lam nên còn gọi là “Mỏ Hạc Linh Từ”. Ngôi đền thuộc địa phận phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
 
Khởi tích Đền Dinh đô quan Hoàng Mười
 
Theo tài liệu của cơ quan văn hóa tỉnh Hà Tĩnh và các sắc phong, Đền Dinh Đô Quan Hoàng Mười được xây dựng vào khoảng năm 1060 theo sắc phong của Lý Thánh Tông đến thời nhà Lê (theo sắc phong của vua Lê Ý Tông 1726) được tôn tạo, nâng cấp, đến thời Nguyễn thì được trùng tu lớn (năm 1427).
 
Do biến cố thăng trầm của lịch sử, chiến tranh, thiên tai tàn phá làm ngôi đền bị xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, khoảng năm 1968 đến 1972 vị trí ngôi Đền tọa lạc tại điểm xung yếu trên tuyến vận tải đường thủy Sông La – Sông Lam – Sông Minh qua cống Trung Lương nên đã bị bom đạn Mỹ tàn phá. Vào những năm 1978 - 1980, Đền Cả còn bị lũ cuốn trôi và chỉ còn lại nền, chân móng cột.
 
Được sự chỉ đạo của Sở Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh và nỗ lực của Thủ nhang, Pháp sư, đồng thầy Phạm Quang Hồng và nhân dân, Đền Cả Dinh Đô Quan Hoàng Mười chính thức trùng tu lại và khánh thành vào ngày 16/8/2014.
 
Đền đã được UNESCO Việt Nam đã trao Chứng nhận Đền đạt tiêu chuẩn Tam Tứ Phủ. Đồng thời, Thủ nhang Phạm Quang Hồng cũng được trao bằng Chứng nhận Tôn vinh Nghệ nhân ưu tú Văn hóa dân gian.  
 
 
Gian thờ Lục phủ Tôn ông trong Dinh đô Quan Hoàng Mười
 
 
Hệ thống thờ Tứ phủ uy nghiêm trong đền
 
Điểm đặc sắc của Đền Dinh Đô
 
Theo nhiều tài liệu nói về xuất thân của Quan Hoàng Mười, nhưng có 3 hiện thân hay nhắc đến là Tướng Lê Khôi – Cháu vua Lê Lợi, Tướng quân Nguyễn Xí và Lý Nhật Quang - con vua Lý Thái Tổ. 
 
Đền Dinh Đô được coi là thờ chính của hai hiện thân Quan Hoàng Mười là Lý Nhật Quang và tướng Quân Nguyễn Xí. Nhưng tại Đền Dinh Đô hiện nay thờ tượng đủ cả ba hiện thân của Quan Hoàng Mười là Tướng Lê Khôi, Tướng Nguyễn Xí và Lý Nhật Quang. 
 
Trong quá trình đào móng trùng tu lại ngôi đền đã khai quật được một pho tượng đá cao gần bằng người thật là một chiến binh cầm chùy. Có lẽ đây là tượng của chiến binh bảo vệ ngôi đền. Hiện nhà đền vẫn giữ lại pho tượng quý này. 
 
Đền có một cổng Tam quan uy nghi, soi bóng xuống ngã ba con sông luôn lờ lững như muốn minh chứng với lịch sử sự tồn tại vĩnh cửu của ngôi đền. Đi qua Tam Qua chúng ta bước vào sân ngôi đền khá rộng rãi với hòn non bộ sơn thủy hữu tình đầy bóng mát của tán lá xanh rờn.
 
Đền có 3 gian đại bái rất rộng rãi và Cung Cấm. Gian Tiền Bái gồm 3 cung: Bên trái là Tứ Phủ Chầu Bà, cung giữa thờ Vua Cha bát hài và 3 hiện thân của Quan Hoàng Mười, bên phải là cung Tứ Phủ Quan Hoàng.
 
Gian Trung Bái gồm 3 cung: Bên trái thờ Tam Vị Chúa Mường, giữa là cung Công đồng thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Ngũ Vị Tôn Ông... bên phải là cung Trần Triều.
 
Gian Thượng Bái là nơi thờ Tam Tòa Thánh Mẫu và bà Lê Thị Ngọc Dung. Cung Cấm là tượng Quan Hoàng Mười.
 
Nhân dân quanh vùng cho rằng đây là một ngôi đền thiêng. Trước đây, sau trận lũ lụt ngôi đền bị tàn phá, ngôi đền có đôi voi ngựa còn trơ lại. Chính quyền đã cho chuyển đôi voi ngựa này về một ngôi đền trong làng. Không biết có phải do ngẫu nhiên hay không, nhưng sau này vị chính quyền chỉ huy và một số người tham gia chuyển tượng đã lần lượt mất sớm vì nhiều lý do khác nhau. Thậm chí, mấy công nhân được nhờ cầu hộ tượng cũng đã bị bắt sau đó ít ngày vì tôi đánh bạc. Hiện nay, đôi voi ngựa vẫn nằm tại ngôi đền kia, nhưng không ai dám đưa trở lại Đền Dinh Đô nữa.
 
Cũng có nhiều người sinh nở muộn có đến hàng chục năm, đến đây cầu xin cũng đã có con. Có thể đây là chuyện ngẫu nhiên. Nhưng dù sao nó cũng phản ánh một phần nào thú vị về tâm linh của ngôi đền.