broken-heart-syndrome-1634347985.jpg
Hình ảnh minh hoạ

Kết luận được các chuyên gia từ Trung tâm Y tế Cedars-Sinai, California, Mỹ, công bố trên tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ (JAHA). Nghiên cứu cho thấy phụ nữ sau tuổi trung tiên có tỷ lệ mắc hội chứng trái tim tan vỡ cao gấp 10 lần phụ nữ trẻ hoặc nam giới ở mọi lứa tuổi. Tình trạng này vốn được coi là hiếm gặp, song, đang dần phổ biến và tỷ lệ mắc tăng lên đáng kể trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

TS Susan Cheng, Giám đốc Trung tâm Y tế Cedars-Sinai, cùng cộng sự đã phân tích dữ liệu trên 135.000 phụ nữ, nam giới tại Mỹ được chẩn đoán mắc hội chứng trái tim tan vỡ từ năm 2006 đến 2017. Kết quả cho thấy nữ giới được chẩn đoán mắc bệnh thường xuyên hơn nam. Tỷ lệ này tăng lên đáng kể ở phụ nữ 50-74 tuổi.

Cụ thể, trong số 135.463 trường hợp bị hội chứng trái tim tan vỡ, tỷ lệ mắc bệnh ở cả hai giới đều tăng, song, phụ nữ chiếm đa số (83,3%), đặc biệt ở những người trên 50 tuổi.

Lý giải về nguyên nhân nữ giới trên 50 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, GS tim mạch Erika J. Glazer, giải thích não và hệ thần kinh phản ứng với các tác nhân gây căng thẳng, nhất là khi phụ nữ già đi. Với phụ nữ, cách thức não và hệ thần kinh phản ứng với tác nhân gây căng thẳng có xu hướng thay đổi theo thời gian. Một trong hai bộ phận này phản ứng thái quá với căng thẳng có thể ảnh hưởng tới tim mạch.

Theo Mayo Clinic, hội chứng trái tim tan vỡ còn được gọi là bệnh Takotsubo hay cơ tim do căng thẳng, khiến tâm thất trái bị biến dạng nên tim không còn bảo đảm được chức năng bơm đủ lượng máu đi nuôi cơ thể. Bệnh được một chuyên gia Nhật Bản phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990 với 5 người mắc. Đến năm 1998, Mỹ phát hiện ca bệnh đầu tiên. Từ đó, số người bị hội chứng trái tim tan vỡ không ngừng gia tăng.

Triệu chứng của bệnh là các cơn đau tim, thắt ngực, hụt hơi, xuất hiện để đáp ứng với căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần. Các dấu hiệu thường hết sau vài ngày đến vài tuần. Giới chuyên gia vẫn đang tìm hiểu tác động lâu dài của nó tới tim và cơ thể người bệnh.

Ngoài nguy cơ tái phát cao, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân bị hội chứng này cũng ngang các ca bị nhồi máu cơ tim: khoảng 3,7%.

Trước nghiên cứu này, giới chuyên gia chỉ biết phụ nữ dễ mắc hội chứng trái tim tan vỡ hơn nam giới. Nhóm chuyên gia của Trung tâm Y tế Cedars-Sinai là người đầu tiên đặt câu hỏi liệu có sự khác biệt về tỷ lệ người mắc dựa trên giới tính, độ tuổi, thời gian hay không.

Nhóm tác giả cũng cho hay sự gia tăng này có thể do thay đổi về môi trường sống, tính nhạy cảm của nữ giới. Họ cần nghiên cứu sâu hơn để đi đến kết luận cuối cùng./.